Khởi nghiệp

OID 2024 - Tập trung vào bài toán thiết kế mô hình Tăng trưởng xanh

Quân Bảo 27/10/2024 15:22

Đầu tư trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ xanh cần thời gian dài và nguồn vốn lớn.

ydu00203.jpg
Ông David Israel, Giám đốc chiến lược toàn cầu Đại học Melbourne (Australia)

Ngày Đổi mới sáng tạo Mở - OID là chương trình đổi mới sáng tạo thường niên lớn nhất tại TPHCM. Năm nay, Ngày Đổi mới sáng tạo Mở 2024 (Open Innovation Day 2024 – OID 2024) được tổ chức bởi Viện Đổi mới sáng tạo mở và doanh nhân công nghệ (OITI), Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel) phối hợp cùng Trung tâm đổi mới sáng tạo mở - SoiHub, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), Qualcomm Việt Nam, Business Finland và nhiều đối tác khác, bảo trợ bởi Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Bộ KH&CN.

OID 2024 với chủ đề “TECHTRAVERSE 2024: Thu hẹp khoảng cách công nghệ, Nâng cao chuỗi giá trị”, gồm các hội thảo chuyên đề về thách thức và cơ hội trong các lĩnh vực như: Năng lượng tái tạo và Tái chế, Bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, Nông nghiệp bền vững, Giao thông vận tải xanh gắn với các mục tiêu phát triển bền vững.

OID - TECHTRAVERSE 2024 cũng tổ chức các phiên SoiMatch - Investment Connection để giới thiệu và kết nối các giải pháp đột phá từ các doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp trong và ngoài nước.

Hiện nay, tăng trưởng xanh (TTX) là xu hướng tiếp cận mới trong phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Theo đánh giá, tăng trưởng xanh không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái thiên nhiên. Việt Nam đang được đánh giá là quốc gia có rất nhiều tiềm năng về phát triển các lĩnh vực kinh tế xanh, không thâm dụng tài nguyên và lao động. Bởi vì, Việt Nam có chất lượng nguồn nhân lực cao và đặc biệt là lao động chất xám của Việt Nam tương đối tốt so với các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, Việt Nam cần phải xây dựng chiến lược cụ thể cho TTX như định hướng phát triển đối với các ngành, lĩnh vực chủ yếu, nhằm nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại và công nghiệp; đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia.

PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (VIAEP) cho biết, việc chế tạo máy móc, ứng dụng công nghệ bảo quản chưa có nhiều đơn vị đầu tư công nghệ. Việc ứng dụng các hệ thống bảo quản, quản lý nông sản phục vụ xuất khẩu công nghệ cao vẫn chưa nhiều.

Bà Phạm Thị Hồng Hạnh, đại diện Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, việc giảm thất thoát, phát thải carbon từ ngành nông nghiệp đòi hỏi phải ứng dụng công nghệ mới. Đây là yêu cầu rất quan trọng nhằm giúp cơ quan quản lý thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050 (mục tiêu Net Zero). Bà cho rằng cần tăng cường phối hợp cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, nông dân, v.v. ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực chế biến, bảo quản sau thu hoạch.

Ông David Israel, Giám đốc chiến lược toàn cầu Đại học Melbourne (Australia) thừa nhận, đầu tư trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ xanh cần thời gian dài và nguồn vốn lớn. Quá trình này được ông ví như đi qua "thung lũng chết", khi nguồn vốn nhà đầu tư sụt giảm vì họ chưa nhìn ra giá trị kinh tế của nghiên cứu. Do đó, nhà đầu tư cần có nguồn vốn tài trợ lâu dài và họ cũng cần sự tham gia hỗ trợ của Chính phủ như một đối tác chia sẻ một phần rủi ro.

Đáp ứng bối cảnh đó, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Mở - SoiHub đã tập trung thiết kế mô hình hợp tác liên ngành giữa các khu vực công và tư, làm sáng tỏ vai trò của mô hình giảm thiểu tác động môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, tăng cường trách nhiệm xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững trong hoạt động sản xuất, thương mại, kinh doanh.

Trong khuôn khổ Ngày Đổi mới sáng tạo Mở - OID 2024, nhiều giải pháp về công nghệ, xe điện, nông nghiệp cũng như những mô hình tăng trưởng xanh, giảm phát thải đã được đưa ra.

Nêu kinh nghiệm ở Australia, ông David Israel Giám đốc chiến lược toàn cầu Đại học Melbourne (Australia) chỉ ra rằng các đại học, nhà đầu tư và Chính phủ sẽ phải cùng hợp tác trong các dự án nông nghiệp mang tính bao trùm, giải quyết vấn đề lớn. Một phần lợi nhuận từ công nghệ mang lại được tái đầu tư giải quyết những bài toán lớn tiếp theo.

Đứng từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Phan Thanh Lộc, Chủ tịch CTCP Việt Nam Food (VNF) đã nêu lên quan điểm về hiện trạng phát triển nông nghiệp bền vững tại đồng bằng sông Cửu Long. Ông cho rằng kinh tế tuần hoàn khá phức tạp trong khi lợi ích thì rất rõ ràng, như việc bảo tồn tài nguyên, giúp giải quyết các vấn đề tác động khí hậu, cũng như khuyến khích sáng tạo.

Ông Phan Thanh Lộc, Chủ tịch CTCP Việt Nam Food (VNF), cho biết: “VNF đã ứng dụng định hướng xử lý ‘xanh’ và công nghệ sinh học để biến dầu và vỏ tôm thành sản phẩm đồng hành, từ đó tạo ra các giá trị gia tăng phục vụ nhiều ngành sản xuất khác nhau, đồng thời góp phần giảm thiểu gánh nặng môi trường”.

VNF đang tạo ra nhiều dòng sản phẩm hương vị tôm tự nhiên bao gồm: bột tôm, đầu gạch tôm và chiết xuất tôm, v.v. có thể thay thế các hương liệu tổng hợp trên thị trường, hướng đến bảo vệ sức khỏe và cung cấp dinh dưỡng cho người tiêu dùng. Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, mô hình kinh doanh bao trùm trong nông nghiệp (IAB) đóng vai trò quan trọng nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững và tạo tác động xã hội tại Việt Nam”.

Trong lĩnh vực giao thông xanh, nhiều doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực xe điện như ECV, MET EV cũng lần lượt mang đến những giải pháp thiết thực cho người dùng cuối. Đây hoàn toàn là các bước hoàn thiện ở cấp độ vi mô.

Quân Bảo