Ông Donald Trump đe dọa kinh tế châu Âu như thế nào?
Nếu ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ, thuế quan được thực thi, tổng sản phẩm quốc nội Liên minh châu Âu (EU) sẽ suy giảm.
Nỗi sợ thuế quan bao trùm toàn bộ thế giới kinh doanh cũng như nhiều nền kinh tế, nhất là khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp diễn ra và cơ hội trúng cử của ông Donald Trump không hề nhỏ.
Sau một thời gian im lặng trước những gói thuế mà Mỹ và châu Âu áp dụng cho xe điện, pin lithium và tấm năng lượng mặt trời Trung Quốc, giới chức nước này đã chính thức lên tiếng. Liệu đây có thể coi là giới hạn cuối cùng trước khi xuất hiện các biện pháp đáp trả?
Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) Jin Liqun đã chỉ trích các nền kinh tế phương Tây vì đã tạo ra các rào cản thương mại bao gồm cả hàng hóa năng lượng tái tạo. Ông nói rằng “không còn thương mại tự do” trong nền kinh tế toàn cầu.
Trung Quốc cũng đã công bố mức thuế quan tạm thời cao hơn đối với một số hàng nhập khẩu từ EU. Một số cuộc điều tra và thăm dò về cạnh tranh, trợ cấp và các hoạt động khác của nhau cũng đang diễn ra khi các biện pháp trả đũa vẫn tiếp tục.
Thương mại tự do đã mang lại lợi ích to lớn cho rất nhiều quốc gia kể từ khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Nhưng điều đáng nói là ngay cả những sản phẩm đại diện cho xu thế phát triển mới cũng không được khuyến khích phổ biến.
Ngay một đồng minh thân cận như nước Đức - đang bày tỏ bất mãn với môi trường thương mại quá bất an. Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner đã cảnh báo rằng, nếu Nhà trắng phát động chiến tranh thương mại với EU, có thể sẽ có sự trả đũa.
Ông Trump đã đưa ra ý tưởng, nếu ông được bầu làm Tổng thống Mỹ, thuế quan toàn diện từ 10% đến 20% có thể được áp dụng cho hầu hết các mặt hàng nhập khẩu, bất kể chúng đến từ đâu.
Thương mại là một trong những trụ cột chính của nước Đức - nền kinh tế lớn nhất “lục địa già”. Do vậy, căng thẳng gia tăng, bất ổn và thuế quan sẽ ảnh hưởng đến quốc gia này nặng nề hơn những quốc gia khác. Kể từ năm 2021, Mỹ là đối tác thương mại quan trọng thứ hai của Đức sau Trung Quốc; năm 2023, khoảng 9,9% hàng xuất khẩu của Đức vào thị trường Mỹ.
Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu kinh tế IW có trụ sở tại Berlin cho rằng, với mức thuế quan như ông Trump cảnh báo, tổng sản phẩm quốc nội của EU và Đức sẽ giảm trong những năm tới.
Berlin từng cố gắng ngăn cản EU bỏ phiếu chống lại xe điện Trung Quốc, nhưng nỗ lực bất thành. Bởi vì các nhà sản xuất ô tô Đức hiểu rằng, họ cần hợp tác với đối thủ hơn là bài trừ. Trong khi đó ngành ô tô Mỹ cho thấy khả năng chủ động về chuỗi cung ứng.
Ông Christian Lindner khuyến cáo, chính sách thương mại của Mỹ như thế nào nếu ông Trump tái đắc cử - là vấn đề quan trọng nhất hiện nay. Ông đề xuất giải pháp: “Trong trường hợp đó, chúng ta cần những nỗ lực ngoại giao để thuyết phục bất kỳ ai bước vào Nhà Trắng rằng việc có xung đột thương mại với EU không mang lại bất cứ ích lợi nào với Mỹ.