Xã hội

Phòng chống tác hại thuốc lá: Cần những chính sách mạnh mẽ, đồng bộ

Bảo Châu 27/10/2024 18:34

Vì thuốc lá là sản phẩm gây nghiện nên phòng chống tác hại của thuốc lá là một chương trình lâu dài và cần có những chính sách mạnh mẽ, đồng bộ.

Bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Phụ trách, điều hành, quản lý Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá cho rằng, kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy vì thuốc lá là sản phẩm gây nghiện nên phòng chống tác hại của thuốc lá là một chương trình lâu dài và cần có những chính sách mạnh mẽ, đồng bộ như: Tăng thuế; in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên vỏ bao thuốc lá; thực thi nghiêm quy định cấm hút thuốc; cấm quảng cáo, tiếp thị sản phẩm thuốc lá; tăng cường tuyên truyền giáo dục sức khỏe, nâng cao ý thức cho mọi người về việc thực hiện nghiêm các quy định cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng và trong gia đình.

bà Hải
Bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Phụ trách, điều hành, quản lý Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá

Trong đó, tăng thuế và giá thuốc lá là biện pháp hiệu quả, đóng góp 50-60% hiệu quả trong việc giảm hút thuốc, do đó tăng thuế thuốc lá được coi là giải pháp quan trọng hàng đầu để giúp các quốc gia giảm được tỷ lệ sử dụng thuốc lá.

Theo bà Phan Thị Hải, nếu Việt Nam thực hiện phương án tăng thuế được Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế khuyến nghị sẽ làm giảm sử dụng thuốc lá, qua đó giảm bệnh tật, tử vong và giảm chi phí khám chữa bệnh do sử dụng thuốc lá.

Bà Hải phân tích, tăng thuế thuốc lá làm tăng giá thuốc lá khiến một bộ phận người hút thuốc bỏ thuốc hoặc giảm số lượng điếu hút, đồng thời giúp ngăn ngừa một số người khỏi bắt đầu hút thuốc.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, trung bình nếu giá thuốc lá tăng 10%, tiêu thụ thuốc lá sẽ giảm 4% ở những nước có thu nhập cao và 5% ở các nước có thu nhập trung bình và thấp. Tăng thuế thuốc lá đặc biệt có hiệu quả đối với nhóm trẻ và vị thành niên. Ước tính khi tăng thuế để giá tăng 10% thì tỷ lệ giảm tiêu dùng ở nhóm này cũng là 10% hoặc cao hơn.

Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá thực chất là giúp cho người tiêu dùng khi giảm sử dụng sẽ tránh được những tổn thất về sức khỏe và kinh tế từ việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá, tiền chi cho mua thuốc lá sẽ được chi cho các nhu cầu thiết yếu khác như thực phẩm, y tế, giáo dục. Việc tăng thuế thuốc lá không những có lợi cho chính những người tiêu dùng mà còn cho cả gia đình họ và toàn xã hội.

Hơn nữa, việc tăng thuế thuốc lá cũng tăng thu thuế của chính phủ. Theo ước tính của Ngân hàng thế giới, trên phạm vi toàn cầu khi thuế tăng 10% sẽ giúp tăng thu thuế thuốc lá của Chính phủ thêm 7%.

Thái lan có sản lượng thuốc lá là (2,19 tỷ bao so với 3,9 tỷ bao), bằng ½ của Việt Nam, nhưng ngân sách hàng năm nộp cho nhà nước là lại cao gần gấp 3 lần (2,09 tỷ USD so với 708 triệu USD). “Chính vì vậy tăng thuế được gọi là biện pháp có lợi đôi đường” – bà Hải nhấn mạnh.

Bảo Châu