Nghiên cứu - Trao đổi

Cần thiết sớm thông qua Luật Điện lực (sửa đổi)

Yến Nhung 28/10/2024 11:15

Liên quan đến việc sửa đổi Luật Điện lực, nhiều ý kiến đều thống nhất sự cần thiết phải sớm ban hành Luật để giải quyết những vấn đề cấp bách đang gặp nhiều vướng mắc.

Theo đó, Luật Điện lực được ban hành năm 2004 và được sửa đổi, bổ sung một số điều vào các năm 2012, 2018, 2022 và năm 2023. Tuy đã có 4 lần sửa đổi, bổ sung và mỗi lần đã giải quyết được một số khó khăn, vướng mắc, song hiện nay nhiều quy định của Luật Điện lực hiện hành đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc, không giải quyết được các vấn đề mới, quan trọng phát sinh trong thực tiễn.

Sửa Luật Điện lực cần đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật - Ảnh minh họa: ITN
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) lần này gồm 6 chính sách lớn - Ảnh minh họa: ITN

Với lần sửa đổi này, Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi (Dự thảo) gồm 6 chính sách lớn. Để kịp thời thể hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng và đòi hỏi của thực tiễn nhằm khắc phục triệt để các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Điện lực hiện hành, đáp ứng nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhân dân sớm nhất có thể, nhiều ý kiến thống nhất với đề xuất Chính phủ là Quốc hội xem xét, thông qua Dự thảo này theo quy trình 01 kỳ họp (cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV).

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, Quy hoạch điện VIII xác định đến năm 2030, Việt Nam phải đạt gấp 2 lần công suất hiện nay, còn 5 năm nữa mà Luật Điện lực (sửa đổi) không được thông qua trong năm nay thì không có cách nào để thực hiện được.

Bộ trưởng lấy dẫn chứng về một dự án điện than (theo quy hoạch cũ mới được tiếp tục triển khai) cũng phải mất 5 - 6 năm, dự án điện khí mất từ 7- 8 năm, nếu mà dự án điện hạt nhân khởi động bây giờ thì cũng phải mất khoảng 10 năm. Trong khi các nguồn hiện tại không còn dư địa kể cả thủy điện, điện than chỉ còn 5-6 dự án theo quy hoạch cũ.

“Do đó, nếu chậm một ngày ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) thì sẽ phải chậm hằng năm cho việc triển khai. Điều này dẫn đến rủi ro mất an toàn điện năng và an ninh năng lượng điện của đất nước. Mặt khác, chúng ta phải chuyển đổi rất mạnh cơ cấu về nguồn để đạt net zero. Nếu không sửa Luật Điện lực thì năng lượng tái tạo không thể phát triển, nhà đầu tư không dễ vào”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Theo chuyên gia, cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế chính sách để thu hút đầu tư cho lĩnh vực cho dự án năng lượng tái tạo - Ảnh minh họa: ITN
Nhiều ý kiến đều thống nhất sự cần thiết phải sớm ban hành Luật để giải quyết những vấn đề cấp bách đang gặp nhiều vướng mắc - Ảnh minh họa: ITN

Kỳ vọng Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ được thông qua tại Kỳ họp Quốc hội này, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế cho biết, Luật Điện lực (sửa đổi) lần này không chỉ liên quan đến riêng lĩnh vực điện mà còn liên quan đến sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội…

Ví dụ, trong sản xuất, Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ tác động ngay như đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất để xanh hóa nền kinh tế… Vì vậy, Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ là căn cứ để các Luật khác có thể thực hiện một cách tốt hơn, làm cho các mục tiêu của nền kinh tế được thực hiện một cách đồng bộ.

“Mọi việc đều có 2 mặt. Như câu chuyện tăng giá bán lẻ điện cho doanh nghiệp sản xuất, điều này sẽ tác động làm cho các doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn. Nhưng cùng với khó khăn đó thì có một yếu tố rất tích cực đó là buộc doanh nghiệp phải tiết kiệm điện. Doanh nghiệp phải thay đổi công nghệ sản xuất, tiết kiệm năng lượng. Điều này sẽ tác động tốt cho xanh hóa sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Theo đó nhìn nhận một cách cân đối, nếu cái gì có lợi hơn thì chúng ta sẽ làm theo. Và chúng ta đang đi theo cơ chế thị trường, do đó, chúng tôi mong muốn rằng, các yếu tố thị trường sẽ quyết định đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện”, chuyên gia này chia sẻ.

Theo PGS-TS Thịnh, việc sửa đổi Luật Điện lực không chỉ mang lại lợi ích cho ngành điện mà còn có tác động tích cực đến kinh tế xã hội nói chung. Cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế là điều kiện tiên quyết để Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Thêm vào đó, các chính sách khuyến khích năng lượng tái tạo sẽ tạo ra nhiều việc làm mới trong lĩnh vực này.

Theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị hồ sơ công phu, nội dung đã bám sát 06 nhóm chính sách đã được xem xét thông qua trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Đây là dự án luật lớn, với 130 Điều, tuy nhiên, để xem xét thông qua theo quy trình một kỳ họp cơ quan soạn thảo cần tập trung cao độ, khẩn trương hoàn thiện các vấn đề đã chín, đã rõ để xem xét; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến chính sách của nhà nước về phát triển năng lượng, phạm vi điều chỉnh, quy hoạch đầu tư các dự án phát triển điện lực.

“Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, chúng tôi cũng kỳ vọng Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV này”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Yến Nhung