Bất động sản

“Chính sách đánh thuế bất động sản là hợp lý”

Vi Anh 28/10/2024 03:00

Đây là nhận định của ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn về đề xuất chính sách đánh thuế bất động sản.

Đề xuất đánh thuế bất động sản của Bộ Xây dựng được đưa ra trong bối cảnh giá bất động sản, nhà ở liên tục tăng mạnh từ đầu năm đến nay. Việc nghiên cứu, đề xuất chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời.

z5101475134353_f992c15b507c3ca3d875654b425fcf78.jpg
Giá nhà tại các đô thị lớn như TP HCM và Hà Nội đang quá cao trong khi nguồn cung nhà vừa túi tiền dần biến mất. Ảnh:VA

Đánh giá về đề xuất này, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com cho rằng: “Bất động sản giống như các loại hàng hóa khác, chịu các quy luật tác động của thị trường. Điều này có nghĩa khi các chi phí đầu vào tăng thì giá thành sản phẩm cũng sẽ tăng theo. Công cụ thuế bất động sản là một giải pháp nhằm giảm giá bán hoặc giảm xu hướng đầu cơ, điều này trực tiếp sẽ tác động đến giá bán của bất động sản. Nhiều quốc gia đã được cả 2 mục đích trên khi áp dụng thuế bất động sản”.

Ngoài ra, ông Quốc Anh nhấn mạnh, về dài hạn chính sách đánh thuế bất động sản là hợp lý. Tuy nhiên, Việt Nam có áp dụng thành công thuế bất động sản hay không còn phụ thuộc vào một số yếu tố như: quan hệ cung – cầu; hệ thống thông tin giao dịch bất động sản rất rõ ràng và minh bạch… Bởi vậy, để xác định mức thuế phù hợp với thực trạng thị trường, cần các dữ liệu chi tiết về số lượng và giá trị giao dịch trên thị trường hiện tại.

Trong ngắn hạn, theo ông Quốc Anh việc theo dõi sát sao sự cân bằng giữa cung và cầu là rất cần thiết nhằm tránh tình trạng đánh thuế với mục tiêu giảm giá bất động sản nhưng lại dẫn đến kết quả ngược lại, làm giá tăng cao. Đặc biệt, việc xây dựng một hệ thống thông tin cho thị trường bất động sản là yếu tố then chốt, không chỉ giúp minh bạch hóa và lành mạnh hóa thị trường mà còn tạo tiền đề cho việc áp dụng chính sách thuế hiệu quả.

Dưới góc nhìn của đơn vị nghiên cứu thị trường, bà Cao Thị Thanh Hương - Quản lý cấp cao Bộ phận nghiên cứu Savills cho biết, thuế bất động sản là công công cụ tài chính thường xuyên được thảo luận trong khung pháp lý của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển; trong đó có Việt Nam. Hiện tại, chủ sở hữu bất động sản ở Việt Nam không phải chi trả thuế tài sản trong khi khung thuế và phí chuyển nhượng thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Bởi vậy, việc đánh thuế bất động sản thứ hai được xem như một giải pháp để bình ổn giá nhà.

Giá chung cư sơ cấp được dự báo sẽ tiếp tục tăng từ 5 - 10% trong thời gian tới. Ảnh:VA
Đánh thuế bất động sản sẽ hạn chế đầu cơ và không làm tăng giá nhà. Ảnh:VA

Ghi nhận của Bộ phận nghiên cứu Savills Việt Nam cho thấy, tại các đô thị lớn như TP HCM và Hà Nội, thị trường nhà ở hiện nay thiếu hụt nguồn cung giá hợp lý khi thị phần phân khúc này đã giảm từ 60% năm 2016 xuống chỉ còn 35% năm 2024, căn hộ sơ cấp dưới 2 tỷ đồng biến mất hoàn toàn.

“Nếu có thể tiết kiệm tối đa 40% thu nhập mỗi tháng, một hộ gia đình thu nhập trung bình sẽ cần hơn 30 năm để có thể mua 1 căn nhà với điều kiện giá nhà không tiếp tục tăng. Nhưng với diễn biến gia tăng liên tục của của thị trường thì điều này là phi thực tế, khiến bất bình đẳng xã hội gia tăng và tiềm ẩn mầm mống bất ổn an sinh về lâu dài”, bà Cao Thị Thanh Hương phân tích.

Trước tình hình nhu cầu về nhà ở xã hội ngày càng tăng đã thúc đẩy TP HCM và Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng hàng chục nghìn căn nhà đến năm 2025 và điều chỉnh các chính sách để hỗ trợ phát triển lĩnh vực này. Theo bà Hương, áp dụng thuế bất động sản thứ hai có thể giúp tăng nguồn thu ngân sách, điều tiết thị trường và quản lý tài nguyên. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công cụ tính thuế, cùng với minh bạch và số hóa dữ liệu bất động sản là thách thức lớn, đòi hỏi nguồn tài chính mạnh và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

Trong khi đó, ông Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng khẳng định, đề xuất đánh thuế bất động sản thứ hai không phải là mới. Khoảng 7 năm trước, đề xuất này đã từng được đưa ra và gây nhiều lo ngại, ngay cả với những người chưa sở hữu nhà. Vì tăng thuế có nguy cơ đẩy giá nhà lên cao, làm cho việc tiếp cận nhà ở của người dân trở nên khó khăn hơn, dẫn đến tâm lý chưa đồng thuận trong xã hội.

"Bất động sản là một lĩnh vực phức tạp nên khi đánh thuế cần xem xét một cách toàn diện, thận trọng, tránh đưa ra thuế xa rời thực tế làm người dân thất vọng, không đáp ứng được mong đợi" - ông Hiển chia sẻ.

Bởi ông Hiển chỉ ra, thuế là một công cụ có tính hai mặt, tùy theo thị trường cụ thể mà nó có thể hỗ trợ hoặc gây cản trở cho sự phát triển của thị trường đó. Việc áp dụng thuế nên nhằm khuyến khích sự phát triển minh bạch và đúng đắn của thị trường, chứ không nên trở thành một trở ngại.

Vị chuyên gia nhấn mạnh rằng: “Việc đánh thuế bất động sản chỉ là một phần trong nhiều biện pháp nhằm phát triển thị trường một cách bền vững và minh bạch. Giải pháp tối ưu là thúc đẩy quá trình số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai cũng như giá trị tài sản bất động sản”.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Vương Duy Dũng - Phó Cục trưởng Cục quản lý Nhà ở và thị trường bất động sản thông tin, sắc thuế bất động sản cũng được nhiều bộ ngành ủng hộ bởi vai trò hỗ trợ người có nhu cầu ở thực có thể tiếp cận nhà ở tốt hơn, giúp thị trường phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững.

Song ông cũng nhìn nhận chính sách mới nào trước khi đi vào thực tiễn cũng cần phải nghiên cứu thấu đáo, toàn diện, đảm bảo hài hòa lợi ích. Do đó, Bộ Xây dựng sẽ đánh giá kỹ tác động của chính sách thuế đến các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp gồm bên bán, bên mua, bên cho thuê và bên thuê, tránh tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh và giao dịch bất động sản.

Vi Anh