Thiếu công bằng trong tiếp cận nhà ở
Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV, thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu phản ánh đang có sự không công bằng trong cơ hội tiếp cận nhà ở.
Nguồn cung nhiều nhưng giá cao
Cụ thể, tại phiên thảo luận tổ về các vấn đề kinh tế xã hội, khi nêu một số vấn đề trọng tâm cần lưu ý trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh về tình hình thị trường bất động sản, nhà ở còn nhiều bất cập. Trong đó, điển hình là sự chênh lệch giữa giá nhà ở và thu nhập của người dân còn quá lớn, giá nhà ở bình quân bằng 25 lần thu nhập bình quân đầu người của người dân khu vực đô thị.
Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện không thiếu nhà ở, cung nhiều, nhu cầu cũng có nhưng khả năng thanh toán của người mua nhà là khó. Tại thời điểm cuối năm 2023, đối với phân khúc căn hộ chung cư thị trường gần như không có dự án căn hộ giá bình dân dưới 25 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, chia sẻ tại cuộc họp, nhiều đại biểu cũng phản ánh rằng đang có sự không công bằng trong cơ hội tiếp cận nhà ở, nhất là nhà ở đối với người có nhu cầu thực. Việc phân bổ nhà ở vẫn rất khó khăn trong thực thi do giá cả, cơ cấu chung cư nặng về nhà cao cấp, đắt tiền.
Cụ thể, theo đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) hiện thiếu nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội; trong khi đó nhà tái định cư bỏ hoang, tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai, nhà ở vẫn tiếp diễn.
Trong khi đó, các luật mới được Quốc hội sửa đổi, bổ sung như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành nên chưa phát huy hết hiệu quả như cử tri mong đợi.
Cũng ghi nhận tình trạng trên, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, "giá đất nhảy múa chưa từng thấy, rất kỳ lạ". Theo ông Trí, nếu không kịp thời ngăn chặn tình trạng này thì sẽ gây ra tiêu cực rất lớn, từ giá đất sẽ ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác, nhất là với sản xuất.
Đua nhau đẩy giá
Trong báo cáo thị trường vừa công bố, ghi nhận của CBRE, tính chung 9 tháng, tổng nguồn cung mở bán mới căn hộ chung cư đạt hơn 19.000 căn, vượt tổng nguồn cung cả năm 2023. Đây cũng là tổng nguồn cung chung cư mới lớn nhất ghi nhận được tại Hà Nội trong vòng 5 năm trở lại đây.
Theo dự báo của CBRE, trong quý cuối năm, thị trường sẽ ghi nhận thêm hơn 10.000 căn, nâng tổng số căn chung cư mở bán mới trong cả năm 2024 ước đạt gần 30.000 căn, gần gấp ba lần số căn mở bán trong năm 2023 và là nguồn cung cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Trong khi đó, tại báo cáo công bố mới đây, Savills cũng đưa ra dự báo từ năm 2025, khoảng 110.000 căn chung cư có thể ra mắt thị trường, song phân khúc trung - cao cấp vẫn chiếm áp đảo.
Trước đó, trong kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 (đợt 3), UBND TP Hà Nội cho biết có 85 dự án đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư với gần 50.000 sản phẩm. Sau 2025, có 26 dự án cũng dự kiến hoàn thành với gần 10.000 căn.
Tương tự, OneHousing cũng dự báo trong hai năm tới, nguồn cung chung cư có xu hướng tăng, lên đến 23.000 căn trong năm 2025 và 24.000 căn năm 2026 - gấp gần 3 lần năm 2023. Nguồn cung này dự kiến vẫn đến từ hai đại đô thị tại phía Tây và Đông.
Chia sẻ bên lề Kỳ họp thứ 8, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP HCM) cho rằng, giá nhà đất càng ngày càng tăng cao, xa rời thực tế và dẫn đến nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế và xã hội, nhiều người trẻ không thể tiếp cận được nhà, trong khi giá nhà đất đắt đỏ không phản ánh đúng thực tế, nhiều công trình bỏ hoang gây lãng phí nhiều năm.
Theo đại biểu, cần phải xem lại vấn đề đầu cơ. Thực tế có những người chẳng làm gì, chỉ đi buôn bán bất động sản mà giàu. Người này truyền tai người kia và cuối cùng đẩy giá nhà đất lên cao.
Các công trình khi thu hồi đất để làm dự án không có chủ đầu tư nào mong muốn giá nhà đất "tăng vù vù" như vậy vì sẽ dẫn đến tăng suất đầu tư, sau này sẽ rất khó bán, khó có lợi nhuận. Và chỉ có những người đầu cơ là vui mừng.
Theo đại biểu Lan, cơ quan chức năng cần phải xem lại chính sách thuế, với những người có 2-3 bất động sản trở lên và mua đi bán lại như vậy liệu có phù hợp hay không? Bà Lan khẳng định cần phải đánh thuế để hạn chế tình trạng này.