Giải pháp để Bà Rịa – Vũng Tàu phát triển du lịch chất lượng cao
Để phát triển du lịch chất lượng cao, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã xác định triển khai đồng bộ 5 giải pháp.
Ông Đỗ Phước Trung – Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh BR-VT đã có cuộc trao đổi với PV Diễn đàn Doanh nghiệp xoay quanh các giải pháp nhằm phát triển du lịch chất lượng cao, hướng tới phát triển bền vững.
- Thưa ông, hiện nay các sản phẩm du lịch của địa phương được xây dựng dựa trên những tiêu chí nào nhằm phát triển du lịch chất lượng cao?
Trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã định hướng quy hoạch phát triển du lịch theo không gian vùng, như: Phát triển du lịch tập trung tại khu vực ven biển phía Đông Nam và huyện Côn Đảo; Phát triển khu du lịch quốc gia Côn Đảo theo mô hình du lịch chất lượng cao, chú trọng bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Phát triển các khu du lịch Long Hải – Phước Hải, Hồ Tràm – Bình Châu để hình thành chuỗi sản phẩm du lịch về nghỉ dưỡng, du lịch biển đảo, du lịch thể thao – giải trí chất lượng cao, văn hóa, sinh thái, bất động sản, y tế phục hồi sức khỏe, du lịch nông nghiệp, nông thôn…; Phát triển chuỗi đô thị du lịch ven biển ở Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Lộc An, Hồ Tràm, Bình Châu theo hướng đô thị xanh; chất lượng hạ tầng đô thị và môi trường sống vượt trội so với các đô thị khác trong vùng Đông Nam bộ. Phát triển thành phố Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế”.
Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ du lịch, với phương châm phát triển đầy đủ cả sản phẩm cao cấp và cả sản phẩm du lịch đại chúng. Tại Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030, đã xác định 3 mục tiêu và đưa 9 nhóm giải pháp cụ thể để phát triển du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu trong giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030.
Đồng thời, tại dự thảo Chiến lược phát triển du lịch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đánh giá, xác định 2 sản phẩm du lịch cốt lõi của Bà Rịa - Vũng Tàu là sản phẩm du lịch gắn với vui chơi giải trí, đặc biệt là sản phẩm du lịch golf và nghỉ dưỡng biển.
Ngoài ra, tập trung phát triển các sản phẩm du lịch gắn với các loại hình du lịch như: Du lịch hội nghị, hội thảo (MICE), du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch sinh thái; du lịch gắn với chăm sóc sức khỏe và du lịch cộng đồng.
- Trong thời gian tới địa phương cần chú trọng tới những điều kiện gì để phát triển du lịch chất lượng cao, thưa ông?
Để phát triển du lịch chất lượng cao, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã xác định triển khai đồng bộ 5 giải pháp, gồm:
Một là, phối hợp tổ chức triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch đã ban hành của UBND tỉnh, như: Kế hoạch số 155/KH-UBND ngày 31/8/2022 của UBND tỉnh; Kế hoạch số 249/KH-UBND ngày 30/11/2023 của UBND tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 01/11/2023 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm theo Quyết định số 1894/QĐ-BVHTTDL ngày 14/7/2023 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;...
Hai là, phối hợp triển khai công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới, khác biệt có tính lan tỏa và có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của du khách, đặc biệt thu hút khách du lịch có khả năng chi tiêu cao và du khách quốc tế.
Ưu tiên dành quỹ đất có vị trí thuận lợi để thu hút đầu tư những tổ hợp du lịch quy mô lớn, với các thương hiệu du lịch quốc tế cao cấp; phối hợp thúc đẩy chủ đầu tư các dự án du lịch đã được cấp phép chuyển vốn đăng ký sang vốn thực hiện để đưa dự án sớm hoàn thành đi vào hoạt động; Huy động các nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng để phục vụ phát triển du lịch của tỉnh; tập trung giải quyết, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong triển khai các dự án du lịch.
Ba là, tăng cường liên kết phát triển du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước về du lịch, trong việc tìm hiểu nhu cầu của du khách, tìm hiểu các thị trường du lịch và phát triển sản phẩm mới; tập trung duy trì mức độ giải quyết thủ tục hành chính cấp độ 4 đối với các thủ tục hành chính của ngành.
Bốn là, tập trung cho công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao để phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh đạt chất lượng theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Năm là, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, xúc tiến quảng bá du lịch; đổi mới hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh, nhất là các giải pháp để thực hiện quảng bá tại các sân bay, bến cảng, bến tàu khách du lịch.
- Nhằm hỗ trợ khắc phục tính mùa vụ trong du lịch và thu hút khách du lịch đến tỉnh trong những tháng cuối năm, Sở Du lịch tỉnh đã có kế hoạch gì, thưa ông?
Thông thường, khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm là mùa thấp điểm của du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Vì vậy, trong giai đoạn này, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch thường triển khai, thực hiện các kế hoạch chỉnh trang nâng cấp cơ sở, dịch vụ sẵn sàng cho mùa du lịch trong dịp tết dương lịch, tết nguyên đán hằng năm. Nhằm hỗ trợ khắc phục tính mùa vụ trong du lịch và thu hút khách du lịch đến tỉnh trong những tháng cuối năm, ngành du lịch đã ban hành kịch bản kích cầu du lịch, trong đó khuyến khích các đơn vị doanh nghiệp xây dựng nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn về giá, dịch vụ tăng thêm… để thu hút khách.
Ngoài ra, Sở đã tổ chức làm việc với Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh để thống nhất các giải pháp, xây dựng 9 chương trình tour, tuyến thực hiện “một cung đường, hai điểm đến” với mục tiêu thu hút từ 20-25% lượng khách quốc tế đến thành phố Hồ Chí Minh sẽ đến tham quan, nghỉ dưỡng tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.
Đồng thời, Tỉnh đã tổ chức thành công 2 Hội nghị xúc tiến du lịch tại Seoul và Busan, Hàn Quốc và bước đầu đã có khách quốc tế xác nhận sử dụng các dịch vụ tại các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, ngành du lịch đã tham mưu UBND tỉnh kế hoạch tổ chức Tuần lễ du lịch (dự kiến trong tháng 12/2024) và tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến trong quý IV/2024. Vận động các địa phương và doanh nghiệp tổ chức các sự kiện, chương trình phục vụ khách du lịch như: tổ chức “Chương trình du xuân Vũng Tàu - Thêm màu cuộc sống” dự kiến trong tháng 02/2025 (dịp Tết Nguyên đán); các sự kiện chào mừng Giáng sinh, chào năm mới… Từ những hoạt động nêu trên, dự kiến lượng khách du lịch đến tỉnh trong những tháng cuối năm đạt và vượt kế hoạch UBND tỉnh giao trong năm 2024.
Trân trọng cảm ơn ông!