“Luồng xanh” đầu tư để đón “đại bàng”
Với "luồng xanh đầu tư", nhà đầu tư dự án công nghệ cao được cấp đăng ký đầu tư trong 15 ngày thay vì hơn 260 ngày như trước đây.
Đây là một trong những đột phá mạnh mẽ được thể hiện trong dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi dành cho các dự án công nghệ cao. Thủ tục đầu tư đặc biệt thể hiện tinh thần chuyển đổi tư duy vừa quản lý vừa kiến tạo phát triển; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo cơ chế thuận lợi, cạnh tranh trong thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Những năm gần đây, các quốc gia cạnh tranh gay gắt trong thu hút đầu tư công nghệ cao, trong đó chú trọng các lĩnh vực đang là xu hướng của thế giới như chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Tại Việt Nam, dù thu hút đầu tư nước ngoài tăng trưởng qua các năm, nhiều nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực công nghệ cao đang đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư nhưng số lượng dự án quy mô vốn lớn, hàm lượng công nghệ cao còn khiêm tốn.
Một trong những mong muốn được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đề xuất để thúc đẩy cơ hội hợp tác tại Việt Nam chính là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Hiện, việc thu hút đầu tư nước ngoài nói chung, trong đó có thu hút đầu tư công nghệ cao đang thực hiện theo các thủ tục thông thường về đầu tư, đấu thầu, đất đai, xây dựng, môi trường, phòng cháy, chữa cháy… mất nhiều thời gian.
Hơn nữa, mỗi thủ tục đòi hỏi yêu cầu riêng; một số thủ tục quy định nhiều bước thực hiện hay phải thực hiện tuần tự, kết quả của thủ này là đầu vào của thủ tục khác. Trung bình, để thực hiện đủ các thủ tục trên kéo dài khoảng 250 - 350 ngày, thậm chí có thể lâu hơn do độ trễ phải hoàn thiện các hồ sơ và tài liệu có liên quan.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc áp dụng thủ tục đầu tư trên có thể làm mất đi cơ hội thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực ưu tiên. Việc thiết kế “luồng xanh” - thủ tục đầu tư đặc biệt cho dự án này là cần thiết và cần được thể chế hoá.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh 2 điểm quan trọng của thủ tục đầu tư đặc biệt lần đầu tiên được đề cập trong dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi.
Thứ nhất, doanh nghiệp đầu tư dự án công nghệ cao vào khu công nghiệp, khu chế xuất không phải xin cấp giấy chứng nhận đầu tư mà chỉ cần giấy đăng ký đầu tư và trong vòng 15 ngày phải cấp xong giấy đăng ký cho nhà đầu tư.
Thứ hai, nhà đầu tư tự làm báo cáo tác động môi trường và phòng cháy chữa cháy theo tinh thần tự thực hiện, tự chịu trách nhiệm, không cần phải trình cơ quan cấp trên duyệt. Bản thân các khu công nghiệp, khu chế xuất đã thực hiện đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy nên việc yêu cầu từng nhà đầu tư phải đi xin tiếp là không cần thiết. Cơ quan quản lý chỉ hậu kiểm.
Dự kiến những thay đổi trên có thể cắt giảm đến 260 ngày thực hiện thủ tục hành chính trong 3 lĩnh vực: xây dựng, bảo vệ môi trường và phòng cháy chữa cháy.
Chia sẻ tại phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội năm 2024, kế hoạch năm 2025, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết: Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét phân cấp mạnh mẽ hơn cho Ban quản lý cho các khu công nghiệp khu chế xuất, tránh việc thực hiện một thủ tục phải mấy năm, làm lỡ cơ hội đầu tư của doanh nghiệp.
Liên quan đến các cơ chế, chính sách thu hút “đại bàng” chiến lược, tại dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi đề xuất bổ sung quy định về việc thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư, tạo cơ sở pháp lý cho việc ban hành Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ này đang được Chính phủ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Việc ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư đa dạng và hấp dẫn, áp dụng song song chính sách ưu đãi dựa trên thu nhập (miễn, giảm thuế), chi phí với các gói hỗ trợ lớn đang được nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ, châu Á thực hiện. Phản ứng nhanh trong đổi mới chính sách đã giúp các quốc gia trên, nhất là các nước ASEAN thu hút được các dự án công nghệ cao quy mô rất lớn.
Tại Việt Nam, việc áp dụng thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu đã làm suy giảm mạnh sức hấp dẫn trong thu hút dự án quy mô lớn, có sức lan toả. Một số tập đoàn lớn đã khảo sát, nghiên cứu đầu tư nhưng chưa đưa ra quyết định lựa chọn, trong đó có nguyên do từ việc chờ đợi, theo dõi phản ứng chính sách.
Để khuyến khích, thu hút các tập đoàn lớn và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước ở một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư, tăng sức cạnh tranh và hấp dẫn của môi trường đầu tư; theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sớm ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư mới hướng đến các dự án công nghệ cao quy mô lớn thông qua Quỹ hỗ trợ đầu tư chính là tạo đột phá, thu hút đầu tư chọn lọc, đảm bảo vị thế cạnh tranh.