Thanh Hóa tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc
70 năm trước, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Thanh Hóa là địa phương đầu tiên được tin tưởng giao nhiệm vụ đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
Tối ngày 27/10, tại phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn đã tổ chức Chương trình Lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sỹ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (1954 – 2024) và khánh thành khu lưu niệm với chủ đề “Quê Thanh nghĩa Bắc – Tình Nam”.
Cuối năm 1954, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam nhận được chủ trương tập kết ra Bắc để học tập, sản xuất, chuẩn bị lực lượng cho miền Nam trong cuộc chiến đấu lâu dài, và đó cũng là nguồn cán bộ cho đất nước sau khi đã thống nhất hai miền Nam - Bắc. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa là địa phương đầu tiên được Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ giao nhiệm vụ đón tiếp, chăm sóc hơn 1.800 thương binh cùng hơn 50 nghìn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
Thanh Hóa là một trong số các tỉnh miền Bắc được Trung ương Đảng và Bác Hồ giao nhiệm vụ đón tiếp và chăm sóc cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết. Trong suốt 9 năm trường kì kháng chiến chống Pháp, hậu phương lớn Thanh Hóa đã phải dốc toàn bộ sức người, sức của cho chiến trường nên cuộc sống của người dân lúc đó hết sức khó khăn, thiếu thốn trăm bề.
Nhưng với tình cảm ruột thịt "Bắc - Nam chung một nhà", Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã khắc phục khó khăn, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nhu yếu phẩm cần thiết, tốt nhất để đón tiếp đoàn cán bộ, chiến sĩ; thương, bệnh binh, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại Sầm Sơn.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta với tinh thần thép và ý chí chiến đấu quật cường, bền bỉ, anh dũng đã làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, theo đó ngừng bắn, tập kết, chuyển quân được hai bên thực hiện trong 300 ngày, lập giới tuyến quân sự tạm thời ở vĩ tuyến 17, sau 2 năm sẽ tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Từ đây miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương lớn, vững chắc cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...70 năm đã trôi qua, nhưng sự kiện đón tiếp cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc đã trở thành dấu ấn sâu đậm trong lịch sử dân tộc, trong trái tim của biết bao thế hệ đồng bào và chiến sỹ hai miền Nam - Bắc; là bài học vô giá về “ý Đảng, lòng dân”; biểu tượng sáng ngời của tinh thần đại đoàn kết và khẳng định chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi ”.
Ông Nguyễn Doãn Anh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại buổi lễ, Lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc là sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng, không chỉ là dịp để chúng ta gặp nhau, ôn lại những kỷ niệm xúc động, nghĩa tình trên đất Bắc, mà còn là dịp để chúng ta tự hào về một giai đoạn hào hùng trong lịch sử dân tộc, nhắc nhớ chúng ta về tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tình cảm “Bắc - Nam một nhà”, không thể nào chia cắt...
Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, đặc biệt sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà; Thanh Hoá đã nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực... Trở lại Sầm Sơn hôm nay, được chứng kiến những đổi thay rõ nét. Hạ tầng đô thị được đầu tư khang trang, hiện đại; nhiều khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí được đầu tư, nâng cấp, tạo ra sức hấp dẫn mới cho du khách. Sầm Sơn hôm nay không chỉ là mảnh đất của lịch sử và huyền thoại, mà đang hướng đến đô thị du lịch trọng điểm quốc gia.
Trước nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam và Nhân dân Thanh Hóa, mong muốn xây dựng công trình lưu giữ những hình ảnh, hiện vật về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, biểu tượng sáng ngời của chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”... Sau gần 2 năm khởi công xây dựng, các hạng mục công trình khu A đã hoàn thành, nổi bật là Cụm tượng đài Con tàu tập kết và bức phù điêu hình cánh cung. Đây là công trình có ý nghĩa lịch sử, nhân văn sâu sắc, là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho các thế hệ người Việt Nam, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước khi đến Sầm Sơn.
Đây là chương trình ý nghĩa, không chỉ là dịp để các nhân chứng lịch sử ôn lại những kỷ niệm xúc động, nghĩa tình trên đất Bắc, mà còn là dịp để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hoá tự hào về một giai đoạn hào hùng trong lịch sử dân tộc, nhắc nhớ các thế hệ hôm nay và mai sau về tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tình cảm "Bắc - Nam một nhà".
Chương trình nghệ thuật đặc biệt Quê Thanh Nghĩa Bắc - Tình Nam được dàn dựng công phu gồm 3 chương. Chương 1 có tựa đề "Ký ức không bao giờ phai" với 3 lớp diễn: Vượt khó, vươn tầm cách mạng; Cuộc chuyển quân huyền thoại và nghĩa Bắc, tình Nam. Chương 2 có tựa đề "Huyền thoại thời hoa lửa", Chương 3 có tựa đề "Nhịp sống trào dâng sắc mới".
Tròn 70 năm sau chuyến tàu đầu tiên chở đồng bào, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại Cảng Hới, Sầm Sơn nay là thành phố Sầm Sơn. Để ghi dấu sự kiện lịch sử thiêng liêng này, một khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc đã được dựng lên với sự chung tay góp sức của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa và Ban liên lạc học sinh miền Nam. Công trình biểu tượng này sẽ góp phần giáo dục cho các thế hệ hôm nay và mai sau về một giai đoạn lịch đầy biến động nhưng cũng tràn đầy niềm tin, khát vọng về độc lập, tự do và hòa bình của dân tộc.