Nền kinh tế phục hồi, nhiều doanh nghiệp lãi lớn
Trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam đang phục hồi tích cực, nhiều doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng đột biến.
Tăng trưởng GDP quý III/2024 của Việt Nam đạt 7,4% so với cùng kỳ, 9 tháng đạt 6,8%, tiếp tục gây bất ngờ so với dự báo chung trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều phức tạp, nền kinh tế trong nước được đánh giá vẫn còn bị ảnh hưởng bởi cả những yếu tố bên ngoài lẫn nội tại bên trong.
Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng, GDP quý III/2024 đã đạt được mức tăng trưởng ấn tượng với động lực dẫn dắt từ khu vực Công nghiệp và Xây dựng.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong quý III, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, đáng chú ý là hoạt động sản xuất cải thiện liên tục qua các quý. Tuy nhiên, PMI ngành sản xuất của Việt Nam đã giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 9, đạt 47,3, báo hiệu các điều kiện kinh doanh suy giảm trở lại, sau khi đã có một giai đoạn tăng trưởng mạnh trước đó. Tuy nhiên, PHS cho rằng, sự gián đoạn này chỉ là tạm thời.
Trong khi đó, hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 9 bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão Yagi. Mặc dù mức kim ngạch xuất khẩu trong tháng 9 là thấp nhất trong giai đoạn quý III nhưng so với bình quân 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 9 vẫn tăng 7,6%.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 9 ghi nhận mức tăng đột phá, PHS duy trì mục tiêu tích cực với dòng vốn FDI vào Việt Nam, phấn đấu cả năm lượng vốn FDI giải ngân tại Việt Nam đạt 24,6 tỷ USD.
Trong bối cảnh đó, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, thậm chí có doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng hàng trăm lần so với cùng kỳ.
Trong số các doanh nghiệp này, phải kể đến là Công ty CP Chế tạo Biến thế và Vật liệu Điện Hà Nội (UpCOM: BTH) ghi nhận doanh thu thuần hơn 216 tỷ đồng trong quý III/2024, tăng gấp 541 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 94 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ xấp xỉ 400 triệu đồng, tương đương mức tăng gấp 235 lần. Lũy kế 9 tháng đầu năm, BTH ghi nhận lần lượt 1.430 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 492 tỷ đồng lãi sau thuế, gấp 1.788 lần và 1.231 lần so với cùng kỳ.
Theo giải trình của doanh nghiệp, trong quý III/2024 công ty đã bàn giao và ghi nhận doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp của 32 căn chung cư và 2 căn liền kề, cùng kỳ dự án đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng chưa ghi nhận doanh thu. Tính đến 30/09/2024, BTH đã ghi nhận kết quả kinh doanh của 293/334 căn hộ và 2/25 căn liền kề.
Tương tự, Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 3.500 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ 2023. Lợi nhuận sau thuế hơn 312 tỷ đồng, tăng gấp 25 lần cùng kỳ 2023 và là mức cao nhất trong vòng 5 quý gần đây của DBC.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, quý III/2024, tình hình giá thức ăn chăn nuôi trong nước và nhập khẩu ổn định; công ty tích cực nghiên cứu áp dụng nhiều giải pháp, đồng bộ về kỹ thuật, quản lý và phát triển thị trường... Do đó, lợi nhuận của các công ty chăn nuôi tăng trưởng so với cùng kỳ.
Trong quý III, ngành chăn nuôi trong nước tiếp tục chịu áp lực dịch bệnh. Tuy nhiên, do áp dụng hiệu quả các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, an toàn sinh học và đặc biệt là tiêm phòng vaccine... nên các công ty chăn nuôi của DBC đã kiểm soát được dịch bệnh. Mặt khác, giá lợn hơi trên thị trường tăng cũng hỗ trợ lợi nhuận của tập đoàn.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, DBC ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 10.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 530 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 17% và 2.750% so với cùng kỳ 2023. Với kết quả đạt được, doanh nghiệp đã hoàn thành gần 73% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2024.
Kết thúc quý III/2024, Công ty CP Cao su Tây Ninh (HoSE: TRC) ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 221 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của TRC đạt hơn 73 tỷ đồng, tăng gấp gần 6 lần so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, TRC mang về 456 tỷ đồng doanh thu 456 và lợi nhuận sau thuế 101,3 tỷ đồng, tăng lần lượt 31% và 405% so với cùng kỳ năm trước.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, nguyên nhân chính khiến lợi nhuận tăng đột biến là do giá bán mủ cao su tăng mạnh, nhờ tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu. Bên cạnh đó, mưa lũ kéo dài ở Thái Lan, quốc gia sản xuất cao su lớn nhất thế giới, cùng với dịch bệnh rụng lá ảnh hưởng đến sản lượng ở nhiều nước sản xuất khác, là những yếu tố chính thúc đẩy giá cao su. Đặc biệt, bão Yagi đã làm gián đoạn thu hoạch mủ cao su tại Việt Nam trong mùa cao điểm.
Một "ông lớn" trong ngành thép là Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh 2 con số. Theo đó, trong quý III, doanh thu của HPG đạt 34.000 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế đạt 3.022 tỷ đồng, tăng mạnh 51% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, HPG ghi nhận doanh thu 105.000 tỷ đồng (tương đương 4 tỷ USD), tăng 23% so với cùng kỳ 2023 và hoàn thành 75% kế hoạch năm 2024. Lợi nhuận sau thuế đạt 9.210 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện 92% kế hoạch lợi nhuận năm.
Động lực chính vẫn đến từ mảng thép và các sản phẩm liên quan, đóng góp 85% vào tổng lợi nhuận. Lĩnh vực nông nghiệp cũng cho thấy sự tăng trưởng đáng kể. Biên lợi nhuận được cải thiện hai chữ số ở các mảng kinh doanh chính. Cụ thể, lợi nhuận mảng thép tăng 42%, trong khi mảng nông nghiệp ghi nhận mức tăng 80% so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực cho thuê hạ tầng khu công nghiệp duy trì biên lợi nhuận ổn định 39%.
Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) cũng có kết quả kinh doanh tích cực với doanh thu thuần gần 2.358 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong kỳ, các khoản mục chi phí không biến động nhiều, nhưng nhờ doanh thu tài chính tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ, lên gần 52,8 tỷ đồng, TNG ghi nhận lãi sau thuế hơn 111 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, TNG đạt 5.884 tỷ đồng doanh thu và gần 241 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng lần lượt 8,2% và 47% so với 9 tháng đầu năm 2023. Theo lãnh đạo doanh nghiệp, sở dĩ có sự gia tăng đáng kể trong lợi nhuận sau thuế quý III năm nay so với năm ngoái là do tăng trưởng doanh thu song song với tối ưu hóa chi phí và cải thiện năng suất lao động của Công ty.
Cụ thể, doanh thu từ các hoạt động kinh doanh chính của TNG đã tăng mạnh nhờ việc tập trung vào khai thác các dòng hàng khó, phức tạp cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu. Các đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường mới đã đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng doanh thu.
Bên cạnh đó, Công ty tối ưu hóa chi phí và cải thiện năng suất lao động nhờ đầu tư vào công nghệ và đào tạo nhân lực, cải tiến quy trình sản xuất và quản lý, đi kèm với tăng sử dụng máy móc thiết bị tự động, công nghệ AVG, robot trong việc điều hành sản xuất.
Tại Công ty CP Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) ghi nhận doanh thu đạt 5.084 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 344 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ. Đây là một trong 3 quý đạt lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.
Theo giải trình của PAN, kết quả tích cực của quý III/2024 đến từ các mảng kinh doanh chính như giống cây trồng và gạo, khử trùng và nông dược, tôm và cá tra xuất khẩu, bánh kẹo... đều có sự tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận. Cùng với đó là việc hoàn tất ghi nhận khoản đầu tư vào công ty liên kết tại công ty thành viên, thực hiện hợp nhất công ty con tại ngày đạt quyền kiểm soát theo thoả thuận với các bên tham gia đầu tư.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu của PAN đạt 11.917 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái, Lợi nhuận sau thuế đạt 720 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ. Với kết quả này, PAN đã hoàn thành 81% kế hoạch doanh thu và 82% kế hoạch lợi nhuận năm.
Công ty CP Vạn Phát Hưng (HoSE: VPH) cũng có quý kinh doanh lãi đột biến nhờ doanh thu từ hoạt động tài chính. Cụ thể, trong quý III, doanh nghiệp ngành bất động sản này ghi nhận doanh thu thuần tăng mạnh 557% so với cùng kỳ năm trước lên hơn 18 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong kỳ này doanh thu tài chính tăng đột biến lên 356 tỷ đồng, gấp gần 48 lần cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, gần 349 tỷ đồng là lãi từ chuyển nhượng cổ phần. Theo giải trình của VPH, trong quý III, công ty đã hoàn thành các thủ tục pháp lý chấp thuận chủ trương đầu tư dự án KDC Nhơn Đức Nhà Bè (16,7ha). Từ đó, VPH đã thực hiện chuyển nhượng 99% cổ phần tại công ty con là Công ty CP Bất động sản Nhà Bè cho đối tác.
Kết quả, VPH báo lãi 183 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lỗ 19,6 tỷ đồng, mức lãi cao kỷ lục kể từ khi doanh nghiệp này niêm yết trên sàn chứng khoán. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của VPH giảm 27% xuống 34 tỷ đồng. Nhờ khoản doanh thu tài chính giúp lãi sau thuế 9 tháng đạt 145 tỷ đồng...
Tăng trưởng lợi nhuận đột biến quý III của một số doanh nghiệp như trên không đại diện cho ngành; tuy nhiên ở một mặt nào đó, cho thấy tùy thuộc doanh nghiệp mà KQKD phản ánh giá trị tích lũy, nguyên nhân tăng đột biến nguồn thu... dẫn đến phân hóa lợi nhuận. Đối với nhóm nổi bật, chuyên gia cho rằng sự tăng trưởng đang đi theo xu hướng tăng dần qua các quý. Bên cạnh những doanh nghiệp lộ diện những khoản lỗ sâu và ngoài dự đoán, thì theo Giám đốc Phân tích cổ phiếu của SSI Research, nhìn chung, bức tranh lợi nhuận thì đã đồng đều hơn và đã có sự tăng trưởng ở hầu hết các nhóm ngành.