Chặn “đấu giá, bỏ cọc”: Có cần thiết chứng minh năng lực tài chính?
“Người tham gia đấu giá đất phải chứng minh có đủ năng lực tài chính để mua bằng việc xác nhận tài khoản tiền gửi ngân hàng hoặc tài sản bảo đảm …”.
Đây là nội dung kiến nghị của đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhằm kiểm soát tình trạng tăng giá bất động sản được dư luận hết sức quan tâm.
Theo đó, sáng 28/10, thảo luận tại hội trường Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết, trong bối cảnh cầu tăng, cung khan hiếm nên các lực lượng thị trường đã tranh thủ tìm cách đẩy giá bất động sản lên để kiếm lời. Theo ông Cường, các lực lượng này gồm môi giới tung tin, thổi giá; những người đấu giá cố tình bỏ giá cao để đẩy giá thị trường lên; các doanh nghiệp lớn đưa bất động sản ra thị trường cùng bán với mức giá cao.
"Dư luận cho rằng liệu có hay không việc các doanh nghiệp bắt tay nhau cố tình đưa giá cao để thiết lập mặt bằng giá mới làm đẩy giá thị trường tăng lên", ông Cường nêu.
Nhằm kiểm soát tình trạng tăng giá bất động sản, bên cạnh những giải pháp về giải quyết thủ tục pháp lý cho các dự án bất động sản để tăng nguồn cung, ông Cường cho rằng để ngăn chặn tình trạng trả giá cao bất thường rồi không mua, không thể tăng tiền đặt cọc vì nếu tăng sẽ hạn chế số người tham gia, mất đi tính cạnh tranh.
Theo ông Cường, cần quy định người tham gia đấu giá phải chứng minh đủ tiền để mua nếu trúng đấu giá, bằng việc xác nhận tài khoản tiền gửi ngân hàng hoặc tài sản bảo đảm khác như nhà đất và phải cam kết nếu cố tình bỏ cọc sẽ bị phong tỏa các tài sản trên để xử lý.
Vị đại biểu cho rằng nếu có quy định như thế thì những người có nhu cầu mua thật sẽ dễ dàng chứng minh, đồng thời sẽ loại bỏ những người không có nhu cầu sử dụng, mục đích tham gia đấu giá để mua đi bán lại hoặc những người cố tình trả giá cao rồi bỏ cọc như vừa qua.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh quan điểm này, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) hoàn toàn đồng tình và cho rằng, do quy định về việc nhà đầu tư “phải nộp tiền đặt trước tối thiểu bằng 5% và tối đa bằng 20% giá khởi điểm đấu giá” mà không có thêm quy định chặt chẽ, nên trong thực tế nhiều nhà đầu tư trúng đấu giá đã bỏ cọc.
Cụ thể theo Luật sư, do thiếu các quy định pháp luật về điều kiện tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, nhất là điều kiện chứng minh “có năng lực tài chính” của nhà đầu tư, nên thực tế rất nhiều nhà đầu tư năng lực tài chính yếu kém vẫn tham gia đấu giá, song sau khi trúng đấu giá thì không có khả năng tài chính để tiếp tục thực hiện việc nộp tiền.
Do đó, Luật sư đặt vấn đề, trước nay cơ chế, quy định đã có nhưng khi áp dụng lại không thể đạt được những mục đích của việc tổ chức đấu giá. Doanh nghiệp, cá nhân đấu giá cao, nhưng nhà nước về cơ bản chỉ thu được tiền cọc? “Chúng ta cần phải rà soát lại, nếu quy định nào chưa phù hợp, thì sửa đổi, bổ sung. Nếu không làm sớm, thì chắc chắn, việc bỏ cọc hay gian lận trong đấu giá sẽ còn tái diễn”, luật sư Nguyễn Đưc Biên nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Lee và Cộng sự cũng cho rằng, cần sửa đổi bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.
“Bên cạnh đó cũng cần bổ sung quy định về điều kiện năng lực tài chính và giám sát, thẩm tra hồ sơ tham gia đấu giá khắt khe hơn đối với tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất mà bỏ cọc từ 5 vụ đấu giá trở lên, để qua đó góp phần làm giảm tỉ lệ bỏ cọc trong các vụ đấu giá quyền sử dụng đất”, luật sư Nhung nói.
Tuy nhiên, nữ luật sư cũng lưu ý rằng, việc quy định chặt chẽ điều kiện của tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất là rất cần thiết, song nếu quy định quá cứng nhắc có thể sẽ làm hạn chế quyền tham gia đấu giá của các tổ chức, doanh nghiệp. Điều này cũng không có lợi cho cuộc đấu giá.