Giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công từ những "đầu tàu"
Nằm trong nhóm đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao những tháng đầu năm, Bộ NN&PTNT cho biết phân rõ lãnh đạo phụ trách và thành lập tổ chuyên gia ngay từ khi bắt đầu dự án.
Theo Báo cáo từ Bộ Tài chính, hiện có 15/44 bộ, cơ quan trung ương và 41/63 địa phương nỗ lực phấn đấu, đạt tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công ước 10 tháng đạt trên mức trung bình của cả nước.
Tiêu biểu là: Đài truyền hình Việt Nam (100%), Ngân hàng Nhà nước (75,23%), Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam (70,46%), Bộ GTVT (67,42%); Bộ NN&PTNT (64,63%), Hòa Bình (74,91%), Tiền Giang (74,43%), Long An (74,1%), Nghệ An (69,56); An Giang (66,15%)...
Là một trong những Bộ trong nhóm có tỷ lệ giải ngân cao, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công trình xây dựng, Bộ NN&PTNT cho biết, 9 tháng năm 2024, công tác quản lý đầu tư xây dựng công trình của Bộ đã cơ bản đáp ứng kế hoạch, yêu cầu đề ra; về cơ bản các dự án được triển khai đảm bảo yêu cầu về chất lượng, tiến độ, một số dự án đã đẩy nhanh được tiến độ kịp thời đưa vào phục vụ sản xuất.
Hoàn thành 2/3 dự án đầu tư (khối trường) do Bộ thực hiện và 46/46 dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai do các địa phương thực hiện đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo đúng mục tiêu, tiến độ của chương trình.
“Giải ngân vốn đầu tư công của Bộ NN&PTNT nằm trong nhóm có tỷ lệ giải ngân cao so với trung bình cả nước. Kết quả giải ngân đến nay đạt 65,3 % vốn kế hoạch được giao”, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết.
Dù nằm trong nhóm có tỉ lệ giải ngân cao, tuy nhiên Phó Cục trưởng Cục Quản lý công trình xây dựng cho biết còn những khó khăn vướng mắc trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công.
Theo đó, ông Nam cho biết, hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng đã dần được hoàn thiện và có những bước tiến đáng kể, tuy nhiên, dự án đầu tư xây dựng thường trải qua thời gian dài, các pháp luật có điều chỉnh, việc chuyển tiếp qua các thời kỳ gây nhiều khó khăn trong áp dụng pháp luật.
Bên cạnh đó, quy định về trình tự, thủ tục, quy trình xây dựng, giao, điều chỉnh kế hoạch trung hạn mất nhiều thời gian. “Thường mất đến 2 năm để phê duyệt chủ trương đầu tư, giao kế hoạch, phê dự án, chỉ còn 3 năm để thực hiện đầu tư, dẫn đến chậm triển khai dự án”, ông Nam nêu vấn đề.
Đặc biệt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công trình xây dựng nêu thực tế, một việc, một vấn đề nhưng phải “soi chiếu” nhiều luật, nhiều quy trình, thủ tục dẫn tới khi thực hiện còn lúng túng, tâm lý “sợ sai” vẫn còn ảnh hưởng rất lớn khi giải quyết công việc.
Được biết, kế hoạch đầu tư vốn NSNN của Bộ NN&PTNT năm 2024 là 9.935 tỷ đồng, trong đó vốn trong nước là 8.601 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 1.334 tỷ đồng. Như vậy, chỉ còn hơn 2 tháng cho chặng đường “nước rút” để kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công của Bộ NN&PTNT "về đích". Ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, xác định giải ngân đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, cần phải tập trung ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, Ban Cán sự đảng Bộ thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo và đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề về thực hiện công tác đầu tư xây dựng giai đoạn trung hạn 2021-2025.
“Bộ NN&PTNT có nhiều văn bản chỉ đạo đối với các đơn vị thuộc Bộ, các chủ đầu tư để đảm bảo việc quản lý, triển khai và chấp hành đúng quy định của pháp luật. Phân công cụ thể lãnh đạo Bộ chịu trách nhiệm về quản lý đầu tư công, Lãnh đạo Bộ thường xuyên quan tâm, chỉ đạo sát sao trong quá trình tổ chức thực hiện”, ông Nam cho biết.
Đồng thời chia sẻ, trong quá trình từ lập, thẩm định kỹ thuật đến xử lý hiện trường, đã thành lập tổ chuyên gia kỹ thuật của Bộ với nòng cốt là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực để giúp xử lý các vấn đề kỹ thuật đảm bảo công trình an toàn, tiết kiệm chi phí.
Bên cạnh đó, lường trước những vấn đề kỹ thuật phức tạp, từ đó chuẩn bị ngay các giải pháp xử lý, không để thụ động ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình.
Lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế năng lực tốt, phù hợp với đặc thù từng dự án, lựa chọn đơn vị thẩm tra có năng lực, kinh nghiệm, thực hiện thẩm tra, thẩm định song song, tham gia ngay từ quá trình khảo sát, lập hồ sơ thiết kế để đẩy nhanh tiến độ cũng là một trong những giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công được Bộ đưa ra.
Các Hội thảo về quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, giải phóng mặt bằng cũng được tổ chức thường xuyên để các đơn vị thừa kế bài học kinh nghiệm của các đơn vị thực hiện tốt và rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện.
Về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, ông Nguyễn Hoài Nam đề nghị Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cam kết tổ chức thực hiện hoàn thành theo tiến độ thi công và chi trả phần kinh phí tăng thêm nếu vượt kinh phí đã duyệt. Đồng thời khẳng định kịp thời làm việc với Lãnh đạo của địa phương nơi có dự án để tháo gỡ các khó khăn.