Giá thuốc lá ở Việt Nam thuộc hàng thấp nhất thế giới
Giá thuốc lá thấp là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng tiêu dùng trong người dân và thu hút người hút mới.
Bà Hoàng Thị Thu Hương, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, tại Việt Nam, ước tính mỗi năm thuốc lá gây ra hàng trăm nghìn ca bệnh mãn tính và cướp đi sinh mạng của hơn 100.000 người. Tổn thất kinh tế do các bệnh do thuốc lá gây ra lên tới 1,14% GDP năm 2022; gánh nặng lên hệ thống y tế quá tải.
Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới trong khi các quốc gia trong khu vực và trên thế giới trong những năm qua đã giảm đáng kể. Ví dụ tại Trung Quốc, Hồng Kong đã giảm xuống mức 20% và 9%.
Sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá mới khiến gia tăng người mới bắt đầu sử dụng thuốc lá. Điều này đặt ra nhiều thách thức trong việc đạt mục tiêu quốc gia đến năm 2030 giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá xuống 36%.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2020, giá trung bình một bao thuốc nhãn Marlboro ở Việt Nam là 2,82 đô la PPP/1 bao (tính theo sức mua tương đương), chỉ bằng 1/3 so với mức bình quân của tất cả các quốc gia trên thế giới (8,46 đô la PPP/bao) giá thuốc lá ở Việt Nam thấp, đứng thứ 157 trên tổng số 161 quốc gia có số liệu báo cáo năm 2020.
“Giá thuốc lá tại Việt Nam hiện nay còn rất thấp so với giá sản phẩm thuốc lá của các nước trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy chưa đáp ứng được mục tiêu giảm tiêu dùng các sản phẩm thuốc lá”- bà Hoàng Thị Thu Hương nói.
Việt Nam lần đầu tiên áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là vào năm 1999 với mức thuế 45%. Trong giai đoạn 2006-2007 là 55%. Từ năm 2008 đến 2019, Việt Nam đã thực hiện 3 lần tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá: Năm 2008: tăng mức thuế suất từ 55% lên 65%; năm 2016 (sau 8 năm): tăng từ 65% lên 70%; năm 2019 (tiếp sau 3 năm): tăng từ 70% lên 75%.
“Các mức tăng thuế thuốc lá giai đoạn 2006-2008 và 2016-2019 là rất thấp, bên cạnh đó khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế khá dài nên không tạo ra tác động đủ để giảm sức mua và giảm tiêu dùng, do thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn tăng đều đặn hàng năm nên giá thuốc lá ngày càng trở nên rẻ và dễ tiếp cận”- bà Hương nêu quan điểm.
Bà Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cũng cho rằng, một trong những lý do khiến tỷ lệ hút thuốc lá cao ở nam giới Việt Nam là do giá thuốc lá cực kỳ rẻ, và nguyên nhân là vì thuế rất thấp. Và khi thu nhập tăng lên nhưng giá thuốc lá thì không theo kịp, và theo thời gian giá thuốc lá ngày càng trở nên rẻ và dễ mua hơn.
Giá cả và thuế thuốc lá ở Việt Nam cũng thuộc hàng thấp nhất trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, xu hướng quốc tế là hướng tới mức thuế thuốc lá ngày càng cao hơn.
Trên thế giới, khoảng 60 quốc gia, với tổng dân số hơn 1,6 tỷ người, hiện đang áp thuế từ 70% trở lên trong giá bán lẻ, phù hợp hoặc rất gần với thông lệ tốt nhất được WHO khuyến nghị là thuế chiếm ít nhất 75% giá bán lẻ.
Những quốc gia này đã làm cho giá thuốc lá ngày càng đắt đỏ, khó mua hơn – qua đó đã dẫn đến những cải thiện lớn về giảm tỷ lệ hút thuốc trong một thời gian tương đối ngắn. Tăng thuế và giá thuốc lá chính là biện pháp nhanh và hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ hút thuốc.
Đây cũng là biện pháp được đề xuất trong Công ước khung của WHO về kiểm soát thuốc lá, một hiệp ước quốc tế về kiểm soát thuốc lá mà Việt Nam đã phê chuẩn năm 2004.
Tại Philippines, trong giai đoạn từ 2012 tới 2022 việc tăng thuế thuốc lá đã giúp giảm 30% tỷ lệ hút thuốc; đồng thời trong cùng thời kỳ này, thu thuế thuốc lá của chính phủ đã tăng đáng kể - từ 680 triệu đô la Mỹ lên 2,9 tỷ đô la Mỹ.