Khởi nghiệp

Kế nghiệp sáng tạo trong doanh nghiệp gia đình

Phan Nam 30/10/2024 10:0

Khi doanh nghiệp gia đình đã phát triển đến một giai đoạn nhất định, việc chuyển giao kế nghiệp tất yếu sẽ diễn ra.

Trong doanh nghiệp gia đình, thế hệ doanh nhân thứ nhất (F1) luôn kỳ vọng chuyển giao kế nghiệp cho thế hệ thứ hai (F2) không chỉ như một hình thức gìn giữ gia sản mà còn mong muốn thế hệ F2 sáng tạo, đưa doanh nghiệp bứt phá, vươn lên.

dn3.jpg

Cuối tuần trước, hơn 30 doanh nghiệp gia đình Việt Nam đã tập trung ở TP Thái Nguyên để cùng tham dự Hội thảo chuyển giao thế hệ và quản trị doanh nghiệp gia đình với chủ đề "Phương pháp chuyển giao kế thừa tài sản cho thế hệ kế nhiệm". Đây là hoạt động thường niên của Hội đồng Doanh nghiệp gia đình Việt Nam (VFBC) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thành lập. Dù đã thành lập tròn 10 năm nhưng mỗi khi các thành viên VFBC gặp nhau thì câu chuyện chuyển giao kế nghiệp trong doanh nghiệp gia đình vẫn luôn là chủ đề nóng.

Khó tìm lời giải

Hội thảo lần này cũng không là ngoại lệ. Hơn 30 doanh nghiệp gia đình hầu hết đang ở trong giai đoạn chuyển giao kế nghiệp từ thế hệ F1 sang F2 như: Tập đoàn Phú Thái, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, Tập đoàn Hòa Bình Minh, Trung Thành Food… Cá biệt đã có doanh nghiệp đang chuyển giao sang thế hệ F3 đó là Công ty CP Thương mại Thái Hưng (Thái Nguyên). Họ có chung một mối quan tâm là làm thế nào để chuyển giao kế nghiệp thành công để phát triển bền vững.

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch VFBC cho rằng, bây giờ là thời điểm quan trọng để các doanh nghiệp gia đình có sự chuẩn bị, nắm bắt cơ hội phát triển của doanh nghiệp Việt Nam cũng như đảm bảo các kế hoạch chuyển giao được thành công. Thế hệ F2 có nhiều lợi thế là được kế thừa nền tảng, tiềm lực kinh tế, kinh nghiệm từ thế hệ F1 và phần lớn được đào tạo tại nước ngoài nên có cơ hội được tiếp thu, nắm bắt, cập nhập các kiến thức, kỹ năng mới, đáp ứng được các yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, chuyển giao “quyền lực” trong doanh nghiệp luôn là bài toán khó cần sự chuẩn bị, lộ trình phù hợp.

“Nhiều doanh nghiệp gia đình Việt Nam đã có quy mô hàng nghìn tỷ đồng, nếu thất bại trong chuyển giao sẽ rất lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp và xã hội. Đây là lý do trong nhiều năm qua cũng như thời gian tới VFBC xác định việc chia sẻ, hợp tác, cùng phát triển, tìm ra những giải pháp chuyển giao kế nghiệp thành công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm”- ông Phạm Đình Đoàn chia sẻ.

Theo số liệu thống kê, 60% GDP của Việt Nam được đóng góp bởi khu vực kinh tế tư nhân. Khu vực này tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách Nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động.

Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo dịch vụ doanh nghiệp tư nhân và gia đình, PwC Việt Nam cho biết: Trên thế giới cứ 100 doanh nghiệp thế hệ F1 thì còn 60% tiếp nối ở thế hệ F2, 32% ở thế hệ F3 và chỉ còn 16% ở thế hệ F4. Phần lớn các doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển giao sang thế hệ thế F2 nên có nhiều cơ hội thực hiện quá trình chuyển giao kế nghiệp tốt hơn.

Kế nghiệp sáng tạo

Khảo sát mới đây của PwC với thế hệ F2 trong các doanh nghiệp gia đình Việt Nam cho thấy ở Việt Nam, 52% F2 muốn tham gia vào doanh nghiệp; 72% muốn làm tiếp doanh nghiệp của gia đình; 72% muốn tham gia vào quá trình chuyển giao. Tỷ lệ này là khá cao so với các nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam.

Tuy nhiên, 55% F2 lo ngại về sự thiếu rõ ràng trong cơ cấu quản trị doanh nghiệp gia đình, 61% thấy rào cản từ chính trong nội bộ doanh nghiệp trước những đòi hỏi thay đổi và 58% cho biết khó có cơ hội thể hiện năng lực của mình.

Khảo sát cũng chỉ ra rằng, nhiều doanh nghiệp gia đình phải đối mặt với thực trạng F2 khát khao muốn ngồi vào vị trí của bố mẹ càng sớm càng tốt nhưng không có năng lực tiếp quản, trong khi người có năng lực thì lại không được trọng dụng. Đó là chưa kể những khó khăn từ cạnh tranh lợi ích giữa những người thân trong gia đình, họ hàng và cả thái độ của những “công thần” trong doanh nghiệp nếu không có sự chuẩn bị rõ ràng từ thế hệ lãnh đạo doanh nghiệp hiện tại. Thậm chí, nhiều F2 bị mất động lực bởi lý do này.

Là người đang thực hiện chuyển giao cho F2, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại (TNG) đặt câu hỏi: Nên chăng có một bộ quy tắc ứng xử mẫu cho các doanh nghiệp gia đình Việt Nam?

Về vấn đề này, ông Ng Siew Quan, Lãnh đạo dịch vụ doanh nghiệp tư nhân và gia đình khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, PwC Singapore cho biết: PwC có bộ quy tắc khung, nhưng mỗi doanh nghiệp là một thực thể cá biệt nên phải vận dụng linh hoạt không áp dụng chung được.

Ông Ng Siew Quan đưa ra lời khuyên: Các doanh nghiệp cần xác định rõ các vấn đề: ai là người kế nghiệp; giải quyết vấn đề về di sản với thế hệ hiện tại; đua người lao động đang hỗ trợ mình vào quy trình chuyển giao thế hệ cũng như các đối tượng khác như ngân hàng, khách hàng quan trọng đều phải được tính tới. Sau đó, đặt thế hệ F2 vào những vị trí quan trọng, cho phép họ vấp ngã, và F1 phải là người giám sát để có vấp váp nhưng không xảy ra điều tồi tệ với doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, khi doanh nghiệp gia đình đã phát triển đến một giai đoạn nhất định, việc chuyển giao kế nghiệp tất yếu sẽ diễn ra. Kỳ vọng từ thế hệ F1 với F2 không chỉ là người gìn giữ gia sản mà còn mong muốn sự bứt phá, thậm chí là thay đổi mô hình kinh doanh không còn hiệu quả, quốc tế hóa các hoạt động kinh doanh. Để làm được điều đó, ngoài sự hậu thuẫn từ thế hệ F1, cần khát vọng mãnh liệt của thế hệ F2 về sự thay đổi, tầm nhìn, tư duy sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

Phan Nam