Temu - rẻ hay không rẻ?
Temu đang làm mưa làm gió với tốc độ tăng trưởng cực nhanh, chiếm lĩnh thị trường dù sinh sau đẻ muộn
Mấy bạn cùng phòng khoe nhau mua được đồ giá rẻ trên sàn thương mại điện tử mang tên Temu, rồi tíu tít gạ tôi tải ứng dụng về điện thoại.
Sau vài thao tác đơn giản với việc nhập thông tin cá nhân là số điện thoại, giao diện Temu hiện lên trong tay tôi và quả thật làm tôi giật mình bởi nhiều mặt hàng được đăng bán với giá… không tưởng. Chiếc đồng hồ kỹ thuật số kết nối với điện thoại có giá chỉ 116.204 đồng. Cái ghế nỉ có lưng tựa, chân ghế nâng hạ và xoay được, chỉ có giá 249.903 đồng.
Với mức giá này, tôi không hiểu nhà sản xuất thu lợi nhuận kiểu gì, vì công thức đơn giản nhất của sản xuất kinh doanh là: giá bán = giá thành sản xuất + thuế + chi phí vận chuyển + quảng cáo + lợi nhuận. Giá người mua phải trả đã bao gồm tất cả các chi phí này. Vậy mà với ước tính, giá tiền nguyên vật liệu để làm ra chiếc ghế cũng cao hơn giá bán, chưa kể đến các chi phí khác.
Chả trách Temu làm mưa làm gió với tốc độ tăng trưởng cực nhanh, chiếm lĩnh thị trường dù sinh sau đẻ muộn. Temu lấn át cả Alibaba, Amazon với khẩu hiệu “mua sắm như tỷ phú” nhắm vào giới trẻ. Với mức giá và tốc độ phủ sóng như hiện nay, Temu sẽ là mối đe dọa lớn với các doanh nghiệp sản xuất nội địa. Họ đang thành công trong việc lách luật theo Quyết định 78/2010/QĐ-TTg, cho phép đơn hàng dưới 1 triệu đồng được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng. Chính điều này tạo ra luật chơi không công bằng, khi phần lớn đơn hàng trên sàn có giá trị thấp hơn 1 triệu đồng, trong khi ở nội địa, mức áp hai loại thuế này không thay đổi.
Chưa kể, hàng hóa từ sàn thương mại điện tử Temu không được kiểm soát về chất lượng, hàm lượng chất cấm, hay các nguy cơ ảnh hưởng đến người tiêu dùng và xã hội.
Muốn tạo dựng sàn thương mại điện tử tại Việt Nam, nhà đầu tư phải chuẩn bị và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu pháp lý theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP. Nhà đầu tư nước ngoài phải có giấy phép hợp lệ theo Nghị định 09/2018/NĐ-CP. Cơ chế chính sách và hàng rào pháp lý hiện tại lại làm “dễ người, khó mình” - quản lý chặt chẽ với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam, nhưng lại để doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng lỗ hổng. Khác hẳn với Trung Quốc, nơi doanh nghiệp được hỗ trợ tối đa và còn được giúp mở rộng thị trường. Cơ chế cần phải thay đổi để vừa thông thoáng cho nội địa, vừa ngăn chặn nguy cơ từ nước ngoài tràn ngập lấn sân.
Xu hướng giao dịch trên thương mại điện tử là tất yếu, nên việc doanh nghiệp Việt Nam chậm chân ngay trên sân nhà do chậm cập nhật thông tin và đánh giá nguy cơ là có thật. Thực tế, doanh nghiệp Việt Nam mới bắt đầu khởi nghiệp đúng nghĩa trong những năm gần đây, đi sau doanh nghiệp Trung Quốc một quãng rất dài. Trong khi đó, Temu không phải là doanh nghiệp khởi nghiệp từ con số 0 mà người sáng lập đã có nền tảng và kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực này.
Sự nhanh nhạy trong việc nắm bắt tâm lý, thị hiếu, và xu hướng tiêu dùng của giới trẻ, kết hợp với xu hướng dùng hàng một lần, cùng năng lực sản xuất khổng lồ và sự dư thừa hàng hóa từ Trung Quốc, đã giúp Temu vượt qua nhiều đối thủ. Kết nối trực tiếp với nhà sản xuất, Temu như cánh tay nối dài của nhà máy, đưa hàng đến tay người tiêu dùng, bao gồm cả hàng tồn và hàng dư thừa.
Temu không thắng nhờ mô hình thương mại - vì về cơ bản cũng như Shein, Wish hay AliExpress - mà thắng nhờ cách tiếp cận giống như trò chơi trúng thưởng với các chính sách chiết khấu, khuyến mại hấp dẫn. Lướt TikTok trở thành xu hướng, làm mức độ tập trung của con người ngày càng ngắn. Theo điều tra của Microsoft, chỉ số tập trung của giới trẻ hiện chỉ là 8 giây. Nếu không gây ấn tượng ngay, thông tin sẽ lập tức bị quên và lướt qua. Trước đây, người ta ví não cá vàng có khả năng nhớ ngắn, thì giờ đây giới trẻ còn đang cạnh tranh khả năng này với cá vàng.
Cách thức vận hành cần uyển chuyển, linh hoạt, không gây tổn hại đến lợi ích người tiêu dùng. Đơn giản nhất là lũy kế doanh thu từ nước ngoài nhập vào Việt Nam và truy thu thuế. Doanh nghiệp cần chịu trách nhiệm đảm bảo không có chất cấm hay chất nguy hại, đồng thời đảm bảo trách nhiệm pháp lý như doanh nghiệp nội địa.
Việc xây dựng hàng rào chính sách là điều cần làm ngay, chậm ngày nào là mất lợi thế ngày đó. Khi rà soát luật hiện tại, Temu không vi phạm rõ ràng mà đang lách luật. Cần bổ sung quy định kiểm soát chất cấm, chất nguy hại của mọi mặt hàng trên TMĐT, tương tự như các tiêu chuẩn áp dụng với hàng hóa vào siêu thị.
Nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ, hàng giá rẻ và kém chất lượng sẽ tràn ngập thị trường, biến Việt Nam thành bãi rác cho những mặt hàng còn mới.