Hà Nội có hạn chế được xe máy gây ô nhiễm?
Hà Nội tìm cách hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm, nếu không đi kèm với khuyến khích giao thông xanh sẽ khó thành công.
UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn, nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô năm 2024. Theo dự thảo, vùng phát thải thấp là khu vực giới hạn trong thành phố, nơi đang có mức độ ô nhiễm không khí cao. Các phương tiện giao thông hoạt động ở khu vực này phải đáp ứng tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt. Phương tiện không đạt tiêu chuẩn sẽ bị hạn chế hoặc phải trả phí.
Hà Nội đưa ra 5 vùng hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm gồm: Khu vực tập trung các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội có mật độ dân cư cao, có các địa danh cần được bảo tồn, có tiềm năng phát triển du lịch văn hóa xã hội; Khu vực đang bị ô nhiễm không khí, do nguồn phát thải từ giao thông; Khu vực có hạ tầng đáp ứng được yêu cầu của phương tiện giao thông công cộng phát thải thấp, có khả năng tổ chức sắp xếp giao thông một cách phù hợp, thuận tiện và khoa học; Khu vực đủ điều kiện áp dụng tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về phát thải của phương tiện; Khu vực mà chính quyền và người dân đồng thuận xây dựng vùng phát thải thấp.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trên địa bàn thủ đô hiện có khoảng 8 triệu phương tiện giao thông các loại, trong đó gần 1,5 triệu ô tô và hơn 6,5 triệu xe máy. Tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân của thành phố là 4,5%/năm. Ước tính, mỗi năm sẽ có khoảng 400.000 phương tiện cá nhân mới tham gia giao thông, trong đó các phương tiện giao thông sử dụng xăng, dầu, vẫn chiếm đa số.
Theo công bố của cơ quan quan sát chất lượng không khí IQAir, thời gian gần đây, Hà Nội luôn nằm trong nhóm những thành phố ô nhiễm hàng đầu thế giới. Vào tháng 10/2024, có những ngày Hà Nội đã nhận “danh hiệu” thành phố ô nhiễm nhất thế giới, với chỉ số ô nhiễm lên tới gần 200, ngưỡng gây hại cho sức khỏe con người.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, 70% khí thải ô nhiễm môi trường bắt nguồn từ các phương tiện giao thông. Hiện xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính của người dân. Tại Hà Nội có rất nhiều xe máy cũ tham gia giao thông hàng ngày. Do chưa có quy định kiểm soát khí thải, nên xả khói đen bao nhiêu cũng được. Đó là những nguồn ô nhiễm không khí rất đáng kể.
Hiện tại thị trường Việt Nam tiêu thụ gần 3 triệu xe máy mỗi năm, riêng Hà Nội khoảng 350.000 xe, trong đó 90% là xe máy xăng. Theo tính toán, một chiếc xe máy được coi là tiết kiệm xăng nhất hiện nay, sẽ tiêu tốn khoảng 1,6 lít/100km. Riêng với khí CO2 (carbon dioxide), mỗi lít xăng sau khi đốt cháy sẽ thải hơn 2kg vào khí quyển.
Theo chuyên gia Nguyễn Minh Đồng, Hà Nội hiện là thị trường xe máy lớn của các doanh nghiệp FDI như: Honda, Yamaha, SYM… trong đó, Honda chiếm thị phần áp đảo. Để giảm thiểu tác hại do các phương tiện giao thông gây ra, việc phân vùng hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm là cần thiết. Tuy nhiên, theo ông Đồng, quy định này được áp dụng, có thể sẽ thúc đẩy nhiều người dân mua những chiếc xe máy mới thay thế xe cũ. Nếu lại mua xe máy xăng thì vấn nạn ô nhiễm khó giải quyết triệt để và lại càng làm lợi cho doanh nghiệp xe máy xăng. Vì vậy, cần có những giải pháp song hành, khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh và hạn chế những loại xe gây ô nhiễm.