“Cú sốc” với kinh tế thế giới
Càng về cuối năm nay, kinh tế toàn cầu càng lộ rõ 3 mối lo lớn, có ảnh hưởng trực tiếp và sâu rộng đến mọi hoạt động trên toàn cầu.
Các “cú sốc” đó là khả năng kết quả bầu cử Mỹ có thể châm ngòi cho cuộc chiến tranh thương mại mới; kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy giảm; xung đột ở Trung Đông và châu Âu.
Tác động liên hoàn
Thứ nhất, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ luôn là sự kiện được quan tâm hàng đầu, nhưng lần này thế giới dường như “nín thở” chờ đợi kết quả ai là người thắng cuộc. Nếu ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ, thì mọi chuyện sẽ trở nên khó lường. Vì sao vậy?
Ông Trump là người thẳng thừng bác bỏ tự do thương mại, đưa mọi thứ về đúng với vị trí của nó. Chiến lược “nước Mỹ trên hết” đồng nghĩa với “thuế, thuế và thuế” áp lên mọi hàng hóa nếu chúng muốn vượt qua biên giới, bất kể đó là đồng minh, đối tác hay đối thủ.
Ông Trump từng đề xuất đánh thuế 10% với bất kỳ hàng hóa nào đến từ bất kỳ quốc gia nào, gần đây lại tăng lên 20%, riêng Trung Quốc phải chịu thuế đồng loạt 60%, đồng thời dọa bỏ nguyên tắc tối huệ quốc tế với nước này.
Điều đó có nghĩa rằng, thế giới phải sống chung với đầy rẫy ngòi nổ “chiến tranh thương mại”, một nền kinh tế trở nên đắt đỏ từ mọi thứ, đấy là một nghịch lý khó chấp nhận, xóa tan nỗ lực hàng thập kỷ nay nhằm giúp mọi thứ rẻ hơn, tốt hơn và dễ tiếp cận hơn.
Thứ hai, Trung Quốc đang “hụt hơi” trong cuộc đua trở thành nền kinh tế lớn nhất hành tinh, dĩ nhiên ngôi vị ấy không quan trọng bằng động lực thúc đẩy phát triển chung mà nền kinh tế này đã tạo ra trong suốt nhiều thập kỷ qua.
Nghiêm trọng hơn, nền kinh tế Trung Quốc chỉ mất đi khả năng tiêu dùng trong khi sức sản xuất không đổi. Điều này tạo ra khối lượng hàng hóa khổng lồ tràn ra thế giới, đánh bại mọi đối thủ nhờ chiến lược phân phối khép kín, rẻ hơn rất nhiều so với mặt bằng chung toàn cầu.
Thứ ba là nguy cơ chiến tranh lan rộng ở nhiều khu vực. Chỉ với xung đột tại Trung Đông trực tiếp đe dọa đến nguồn cung năng lượng quan trọng nhất thế giới, với eo biển nhỏ như Hormuz đang đảm nhiệm lưu thông 21% sản lượng dầu và 20% sản lượng khí đốt toàn cầu.
Ông Saul Kavonic, chuyên gia phân tích cấp cao tại MST Financial, cho rằng nếu vận chuyển dầu qua eo biển Hormuz bị ảnh hưởng, tác động giá dầu sẽ lớn gấp 3 lần so với cú sốc giá dầu của những năm 1970 sau cuộc cách mạng Iran và lệnh cấm vận dầu mỏ của khối Ả Rập.
Trường hợp xấu nhất, nếu eo biển Hormuz bị đóng cửa trong một tháng hoặc kéo dài hơn, thì giá dầu thô Brent có khả năng tăng vọt lên 350 đô la Mỹ/thùng, khiến nền kinh tế thế giới sẽ suy giảm mạnh.
Mặc dù những thách thức nói trên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 ở mức 3,2% và 3,3% vào năm 2025.
Đối sách ứng phó
Do độ mở nền kinh tế Việt Nam rất lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên 600 tỷ đô la Mỹ, nên các doanh nghiệp Việt Nam rất “mẫn cảm” với thuế quan thương mại, nhất là trong bối cảnh quy mô thương mại với Mỹ, châu Âu tăng trưởng rất nhanh.
Bối cảnh trên buộc chúng ta phải thay đổi cấu trúc của nền kinh tế để giảm chi phí đầu vào. Ví dụ, cần tăng hàm lượng công nghệ của quá trình sản xuất, tăng năng suất; tiến tới áp dụng các mô hình sản xuất tân tiến nhất hiện nay là trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó, cần sử dụng năng lượng xanh, chuỗi cung ứng xanh đáp ứng tiêu chí “xã hội” và “môi trường” toàn cầu. Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa hạ tầng và tăng cường kết nối hạ tầng khu vực, quốc tế giúp cắt giảm chi phí logictics…
Cùng mối lo chung mang tính toàn cục, khi Mỹ áp dụng mức thuế mới với tất cả các quốc gia, thì nền kinh tế nào có chi phí thấp sẽ có nhiều cơ hội giành lợi thế thương mại toàn cầu. Từ vấn đề vĩ mô đặt ra bài toán vi mô với với tất cả các Chính phủ. Chi phí sản xuất ở nước ta khá lý tưởng nhờ lực lượng lao động dồi dào và mức lương thấp.
Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia, Việt Nam cần hoàn thiện các công cụ phòng vệ thương mại, nâng cao năng lực điều tra và xử lý vụ kiện, thúc đẩy hợp tác quốc tế để tăng cường sự bảo vệ cho các ngành sản xuất trong nước.
Ngoài ra, tỷ trọng đóng góp của khối doanh nghiệp FDI trong kinh tế Việt Nam rất lớn. Bộ phận này thường chịu sự chi phối từ nhiều phía, như luật pháp sở tại, luật pháp tại chính quốc và rất nhiều quy định, quy chuẩn tại các thị trường xuất khẩu. Do đó, cần tính toán đến chính sách chiến lược dài hơn để giữ chân và đẩy mạnh thu hút FDI.