Thời điểm thích hợp để xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Nhu cầu vận tải thời điểm này thích hợp và cần thiết để xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy chia sẻ tại cuộc Toạ đàm "Đường sắt tốc độ cao – Thời cơ và thách thức" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, chiều 29/10.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, bất kỳ dự án đầu tư nào cũng phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, đối với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, Bộ Giao thông vận tải đã nghiên cứu 18 năm.
“Vào năm 2011, chúng tôi đã trình cấp có thẩm quyền, nhưng tại thời điểm đó vẫn còn có một số ý kiến băn khoăn”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nói.
Thứ nhất, nhu cầu nguồn vốn đầu tư lớn trong khi quy mô nền kinh tế còn rất khiêm tốn. Thứ hai, nợ công của Việt Nam thời điểm đó rất cao. Thứ ba, còn những vấn đề kiến giải về tốc độ, về công năng.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay trong quá trình nghiên cứu, lập 5 quy hoạch chuyên ngành, Bộ Giao thông Vận tải đã dự báo lại trên nhu cầu thực tiễn hành lang Bắc-Nam, nhu cầu vận tải cả hàng hoá và hành khách lớn nhất.
Cụ thể, chúng ta có đặc điểm địa kinh tế phân bố các khu đô thị lớn, các khu công nghiệp lớn, các khu kinh tế lớn đều tập trung vào khu vục duyên hải.
Với đặc điểm địa kinh tế đó, chúng ta có lợi thế vận tải hàng hoá đường biển, vì theo nghiên cứu trên thế giới cũng như trong nước thì chi phí vận tải biển vẫn là chi phí rẻ nhất trong vận tải hàng hoá.
“Chúng tôi cũng đã dự báo nhu cầu vận tải và thấy rằng thời điểm này thích hợp, cần thiết để xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam nhằm tái cơ cấu lại thị phần vận tải một cách thích hợp.
Qua nghiên cứu, xét về ưu thế thì cự ly trên 1.000 km thích hợp và là ưu thế của hàng không, còn cụ ly dưới 1.000 km phải là phương thức vận tải đường sắt”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh.
Đặc biệt, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy đánh giá thời điểm này quy mô nền kinh tế của Việt Nam đã đạt 430 tỷ USD, nợ công ở mức rất hợp lý (khoảng 37%) trong năm 2023. Do đó, các điều kiện về nguồn lực cơ bản không phải là thách thức lớn.
Về mặt kỹ thuật, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết đã có những kiến giải, như tại sao lựa chọn tốc độ 350 km/giờ? Vì sao công năng sử dụng là vận tải hành khách?
Cơ bản là đã kiến giải qua 10 năm nghiên cứu với sự tham gia của nhiều chuyên gia các nước trên thế giới cũng như các đoàn công tác liên ngành tham quan, học tập tại 6 nước có đường sắt tốc độ cao phát triển. Những vấn đề này đến nay đã được kiến giải một cách rõ ràng.
“Như vậy, đây là thời điểm thích hợp để Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị quyết định trình Quốc hội xem xét, quyết định đầu tư. Đây cũng thực sự là tiền đề, động lực để chúng ta bước vào kỷ nguyên vươn mình, như Tổng Bí thư Tô Lâm nói”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy bày tỏ.
Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng thời điểm này chúng ta xây dựng tuyến đường sắt cao tốc là rất phù hợp, đáp ứng các yêu cầu theo chủ trương của Đảng, của Trung ương. Đồng thời, đây cũng là đòi hỏi từ thực tiễn, vì thông qua dự án này sẽ tạo ra động lực phát triển mới cho đất nước.
“Mấu chốt quan trọng của đề án này là tạo thêm phương thức vận tải thứ 5, và thông qua đó chúng ta sẽ tối ưu hóa các phương thức vận tải, góp phần tối ưu hóa chi phí vận tải, thời gian, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của các chủ thể, từ hành khách đến vận tải hàng hóa”, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.
Bình luận về phương án thiết kế tuyến đường sắt cao tốc 250 km/giờ hay 350 km/giờ, vận tải khách, vận tải hàng hóa… ông Phan Đức Hiếu nhận định phương án kỹ thuật tốc độ tối đa 350 km/giờ vận tải hành khách, và trục tải là 22,5 tấn là phương án thiết kế kỹ thuật tối ưu và hướng đến đúng.