Dự án một luật sửa 4 luật: Cần được cân nhắc kỹ lưỡng
Với sự tác động rất lớn tới tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, góp ý Dự án một luật sửa 4 luật, nhiều ý kiến cho rằng, Dự án Luật cần được cân nhắc kỹ lưỡng…
Theo Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (Dự án một luật sửa 4 luật ngành đầu tư). Đây được cho là một trong những động lực giúp khơi thông các điểm nghẽn, vướng mắc trong hoạt động quy hoạch, đầu tư, đấu thầu.
Liên quan đến Dự án Luật này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc xây dựng, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cấp thiết trong thực tiễn triển khai liên quan đến công tác quy hoạch, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.
Mục tiêu của Dự án Luật nhằm tiếp tục tăng cường phân quyền cho địa phương trong hoạt động thực hiện quy hoạch, hoạt động đầu tư, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và quyết định các nội dung trong quy trình, thủ tục đấu thầu.
Luật cũng đơn giản hoá thủ tục hành chính liên quan đến chế độ báo cáo trong hoạt động quy hoạch; đơn giản hóa thủ tục đối với dự án PPP, quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động lựa chọn nhà thầu; đơn giản hoá trình tự, thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai thực hiện dự án đầu tư để tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào một số lĩnh vực cần ưu tiên thu hút đầu tư.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Trần Quốc Phương, khi xây dựng Dự thảo một luật sửa đổi 4 luật, trong các tờ trình và báo cáo của Bộ đều khẳng định sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy và cách tiếp cận. Đồng thời, thiết kế các quy định của Luật phải cởi mở để kiến tạo phát triển.
“Đột phá trong xây dựng Luật lần này thể hiện ở chỗ là thiết kế các quy định cởi mở để kiến tạo phát triển, chứ không ràng buộc. Tuy nhiên, việc xây dựng các quy định mới với tư duy vừa cởi mở, vừa kiến tạo cho phát triển nhưng phải quản lý được, chúng tôi xác định rất khó khăn. Dù vậy, khó vẫn phải quyết tâm làm”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương bày tỏ.
Cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, đây là Dự án Luật có tác động rất lớn tới tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cần được cân nhắc kỹ lưỡng, tính toán thận trọng.
Đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc sửa đổi, bổ sung các luật nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quy hoạch, đầu tư, đấu thầu. Trước đó, nhìn nhận về Dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp – Trần Tiến Dũng cho rằng, Dự thảo Luật đã phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát để thể chế hoá đầy đủ các nội dung theo Nghị quyết số 126/NQ-CP và nghiên cứu việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp để phù hợp với Luật Chứng khoán và một số văn bản quy phạm pháp luật khác.
Cùng với đó tiếp tục rà soát các quy định liên quan đến phân cấp, phân quyền và phải gắn công tác này với kiểm tra, giám sát, thanh tra, đặc biệt là phải chú trọng công tác hậu kiểm đối với các dự án đặc biệt; làm rõ quy định về quỹ hỗ trợ đầu tư; điều chỉnh quy định về khu công nghệ số để đồng bộ với Luật Công nghiệp công nghệ số.
Về trường hợp đầu tư đặc biệt, Thứ trưởng cũng đề nghị cơ quan chủ trì cân nhắc giao Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quy định quy mô, vốn, kinh nghiệm, năng lực của nhà đầu tư; giao trách nhiệm kiểm tra, giám sát cho UBND thay vì Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế như tại Dự thảo để nâng cao trách nhiệm quản lý của cơ quan Nhà nước và phục vụ hiệu quả công tác hậu kiểm.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng cho ý kiến cụ thể với cơ quan chủ trì soạn thảo về các nội dung như: cân nhắc giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về việc thẩm định dự án; làm rõ các quy trình trong Luật Quy hoạch; rà soát nội dung dự thảo Luật với dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi); làm rõ quy định điều kiện dự án không khả thi về phương án tài chính tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và các quy định về điều khoản chuyển tiếp…
Được biết, Dự án Luật này sẽ được trình và Báo cáo thẩm tra tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vào phiên họp sáng nay 30/10.