Chuyên đề

Cơ chế bán điện mặt trời dư thừa: Bước cần cho tăng trưởng

TS. Nguyễn Hoàng Hiệp, Chuyên gia kinh tế và Chính sách Biến đổi Khí hậu 30/10/2024 11:30

Quốc hội hiện đang bàn về sửa đổi Luật Điện lực. Nhiều mục tiêu như chỉ đạo của Tổng Bí thư khi góp ý định hướng về dự thảo Luật, đã và đang được Chính phủ triển khai.

LTS: Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) đang rất cấp thiết trước yêu cầu đòi hỏi về hạ tầng, năng lượng – một trong những yếu tố mang tính trụ cột, đột phá đối với sự phá triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

a4.jpg
Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia thuộc hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ có công suất dưới 100 kW nếu không dùng hết được bán lên hệ thống điện quốc gia… Ảnh: Quốc Tuấn

Việc sửa đổi Luật Điện lực là rất cần thiết, cấp bách nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành, góp phần thúc đẩy ngành điện lực phát triển bền vững; đồng thời hướng tới mục tiêu tăng gấp đôi công suất đặt toàn hệ thống vào năm 2030 và thay đổi căn bản cơ cấu các nguồn điện để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050…

Lan tỏa “xanh” từ nguồn năng lượng nhỏ

Gần nhất, Chính phủ ban hành Nghị định khuyến khích, điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia thuộc hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ có công suất dưới 100 kW nếu không dùng hết được bán lên hệ thống điện quốc gia…

Đây là quy định quan trọng và cần thiết trong bối an ninh và đảm bảo năng lượng cần được xem như một trong những ưu tiên hàng đầu để nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút vốn đầu tư hiệu quả, tạo đà cho thực hiện định hướng chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Theo đó, mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp là một cơ sở đầu tư năng lượng nhỏ, đi trước, song song với kỳ vọng lớn hơn từ việc sửa Luật Điện lực để mở rộng đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án năng lượng nguồn như điện khí/LNG và điện gió ngoài khơi.

anh-Hiep nn200
TS Nguyễn Hoàng Hiệp

Đây cũng là cơ chế, chính sách, phù hợp bối cảnh chung ở các thị trường đã, đang phát triển năng lượng tái tạo, tạo màu “xanh” lan tỏa từ điện sạch được bán ra và mang lại lợi ích kinh tế cho các bên.

Đối với ngành năng lượng nói riêng, kể từ Quy hoạch Điện VIII mang đến ngọn gió mới cho chiến lược năng lược quốc gia, và đặc biệt cơ chế Mua bán Điện trực tiếp (DPPA) có hiệu lực từ 3/7/2024 - nay, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục mong đợi các chuyển động trong gỡ vướng cơ chế chính sách để tăng khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn có khả năng cung ứng, đáp ứng nhu cầu của các khách hàng.

Tại Nghị định của Chính phủ điểm đáng chú ý liên quan đến DPPA là tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có công suất lắp đặt từ 1.000 kW trở lên và bán điện dư vào hệ thống điện quốc gia, thực hiện thủ tục về quy hoạch điện lực và đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định của pháp luật.
Chính phủ cũng quy định điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia thuộc hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ có công suất dưới 100 kW nếu không dùng hết được bán lên hệ thống điện quốc gia nhưng không quá 20% công suất lắp đặt thực tế.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chịu trách nhiệm thanh toán cho tổ chức, cá nhân phần sản lượng điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia nhưng không quá 20% công suất lắp đặt thực tế. Giá mua bằng giá điện năng thị trường bình quân trong năm trước liền kề.
Theo đó, bên cạnh các quy định đối với điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ và các cơ chế chính sách khuyến khích phù hợp thì ở “luồng” mua bán điện xanh”, doanh nghiệp, người dân với EVN đã có thể tham gia vào hệ thống năng lượng, các thành phần cung cấp sẽ đa dạng hơn, chi phí hợp lý có thể hợp lý hơn. Nói cách khác, Nghị định đáp ứng kỳ vọng về hướng dẫn thực DPPA, giúp tăng nguồn cung và hướng đến giảm giá thành bán điện trong dài hạn - điều này nhấn mạnh rất quan trọng trong bối cảnh giá điện liên tục tăng thời gian qua.

Những kỳ vọng lớn hơn

Đặt trong tổng thể, cơ chế chính sách khuyến khích thực hiện mua bán điện dư là một trong những bước đi để thực hiện chuyển đổi xanh, với động lực lớn lớn nhất ở mảng có tác động lớn nhất gây biến đổi khí hậu. Theo đó, thực hiện Cam kết tại COP 26 của Việt Nam về ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu và đạt 5 tiêu chí vào 2050 trong đó tiêu chí 13 đề cập đến hành động về khí hậu, không thể không thúc đẩy năng lượng xanh, giảm thiểu khí thải nhà kính và đạt tiêu chí này vào năm 2030.

Với lợi thế khí hậu nhiệt đới, lợi thế cho năng lượng mặt trời, Việt Nam thuận lợi về thúc đẩy năng lượng tái tạo, sạch, đây cũng là giải pháp quan trọng cho Việt Nam giúp giảm lượng tiêu thụ điện công nghiệp để đảm bảo phục vụ sản xuất kinh doanh.

Từ Nghị định, vẫn có 2 điểm cần lưu ý:

Thứ nhất, cơ chế đấu nối để tải điện dư lên lưới quốc gia. Theo chuyên môn, điện mặt trời có tính chất không ổn định nên cần có phương án đấu nối phù hợp để không gây áp lực cho lưới điện quốc gia. Doanh nghiệp có thể sẽ phải sử dụng bộ lưu trữ điện năng để phát vào lưới trong thời điểm không có nắng.

Trong khi đó thiết bị trữ điện không rẻ. Vì vậy chi phí sẽ bắt buộc doanh nghiệp phải tính toán hoặc cần có cơ chế hỗ trợ cụ thể hơn từ phía Nhà nước. Lưu ý đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp cung cấp thiết bị thúc đẩy lắp đặt; doanh nghiệp và người dân lắp đặt có thể chịu khấu hao đầu tư ban đầu song được lợi không chỉ là nguồn thu từ bán điện dư, còn chủ động tích trữ điện phục vụ chính nhu cầu ở lúc không có nắng. thời tiết thất thường. Giá trị lớn hơn cho doanh nghiệp là một chuẩn xanh đạt được để “qua cửa” tiếp cận vốn xanh hay đưa sản phẩm vào các thị trường có yêu cầu xanh.

Thứ hai, vì sao quy định bán lên hệ thống điện quốc gia nhưng không quá 20% công suất lắp đặt thực tế? Ở đây chắc chắn cần một lời giải cụ thể từ tính toán khoa học nhưng tin chắc, có “ngưỡng” khống chế là cần thiết - dù có thể chưa thỏa mãn mong muốn của nhiều đơn vị dư cung lớn. Bởi lẽ, sự ổn định của lưới điện quốc gia phải lên trên mọi ưu tiên.

Hơn nữa, bài học về tăng trưởng ngành quá nhanh dẫn đến khủng hoảng thừa năng lượng của Trung Quốc cho thấy song song với triển khai là chính sách mua lại điện áp mái để khuyến khích người dân và doanh nghiệp đầu tư cho điện năng lượng mặt trời, thì quy hoạch sao cho không để xảy ra tình trạng “tăng trưởng tàu lượn” của ngành năng lượng mặt trời, sẽ giúp niềm tin vào cơ chế, chính sách phát triển luôn đi theo một định hướng, tầm nhìn đúng. Tùy thuộc theo cung - cầu và sự phát triển của thị trường, Chính phủ hoàn toàn có thể tinh chỉnh linh hoạt các chính sách có tính khuyến khích phù hợp với nhịp tăng tiến của hệ thống điện quốc gia.

Với nền kinh tế đầy triển vọng và “tham vọng” Net-Zero như Việt Nam, Luật Điện lực sửa đổi và các chính sách đang khuyến khích những bước phát triển xanh mới, dẫn hướng kinh tế trong thời gian tới.

TS. Nguyễn Hoàng Hiệp, Chuyên gia kinh tế và Chính sách Biến đổi Khí hậu