Kinh tế

Doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng gặp khó khi xanh hóa

Lê Tuấn 29/10/2024 10:56

Trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về môi trường và phát triển bền vững, việc chuyển đổi xanh đã trở thành xu hướng tất yếu.

Theo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam đã tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2023. Đặc biệt, 72% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng về bảo vệ môi trường.

Những số liệu này phản ánh một sự chuyển biến mạnh mẽ trong thói quen tiêu dùng của người Việt, đặt ra không ít thách thức cho các doanh nghiệp sản xuất. Họ cần phải không chỉ thay đổi nhận thức của người tiêu dùng mà còn phải đáp ứng nhu cầu ngày càng cao mà vẫn duy trì lợi nhuận.

Chính sách hỗ trợ cho phát triển xanh chưa đủ lớn cho doanh nghiệp

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định: Doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng đang đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình xanh hóa, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng có nhiều thuận lợi và lợi ích từ xu hướng này.

307-202410291208271.jpg
Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)

Việc chuyển đổi sang sản phẩm thân thiện với môi trường không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao hình ảnh thương hiệu mà còn thu hút được một lượng khách hàng ngày càng lớn, những người đang ngày càng quan tâm đến tiêu dùng bền vững. Điều này tạo ra cơ hội mở rộng thị trường và gia tăng doanh thu cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ xanh và quy trình sản xuất bền vững có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí dài hạn thông qua việc giảm thiểu lãng phí và tối ưu hóa nguồn lực. Các doanh nghiệp sớm chuyển mình sẽ có lợi thế cạnh tranh rõ rệt trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng ưu tiên chọn lựa sản phẩm xanh. Việc tham gia vào xu hướng xanh không chỉ là nghĩa vụ xã hội mà còn là cơ hội để doanh nghiệp khẳng định vị thế và phát triển bền vững trong tương lai.

Trong khi đó, để doanh nghiệp thay đổi một thói quen lâu năm không phải là điều dễ dàng, nhưng chúng ta đang chứng kiến những kết quả khả quan ban đầu. Để đạt được sự thay đổi này, trước hết phải ghi nhận trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cần chủ động tích cực trong việc phát triển và cung cấp sản phẩm thân thiện với môi trường. Để chuyển mình theo hướng xanh hóa, doanh nghiệp phải đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các sản phẩm bền vững, đồng thời cải thiện quy trình sản xuất để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Cần tạo ra các chiến dịch truyền thông hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về lợi ích của việc sử dụng sản phẩm xanh. Không chỉ là trách nhiệm với môi trường, việc này còn giúp xây dựng thương hiệu và tăng cường lòng tin của khách hàng. Sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, nhà nước và cộng đồng là chìa khóa để thúc đẩy sự chuyển mình bền vững này.

Đặc biệt, Chính phủ còn có các nghị định hướng dẫn như Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường, và mới đây nhất còn có dự thảo quyết định phát triển tuần hoàn tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Dù vậy, Việt Nam đang thiếu các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho phát triển xanh, và những chính sách hiện có chưa thực sự đồng bộ, dẫn đến việc chưa tạo được động lực đủ lớn cho các doanh nghiệp.

Trong khi đó, Chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đã có những bước đi đầu tiên, nhưng vẫn còn thiếu các biện pháp cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản phẩm xanh.

Chính phủ cần có các chính sách liên quan đến thuế, tín dụng, tài chính, nguồn nhân lực,... để hỗ trợ cho những doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo và phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường. Đặc biệt, khung pháp lý rõ ràng hơn để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và thực hiện các cam kết bền vững.

Chuyển đổi xanh đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững

Ông Phạm Trung Thành, Trưởng ban đối ngoại Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, Việc chuyển đổi xanh không chỉ Acecook Việt Nam mà các doanh nghiệp khác cũng gặp nhiều khó khăn không phải nói chuyển đổi là chuyển đổi được ngay. Khó khăn lớn nhất chính là chi phí đầu tư. Để có thể thực hiện một số hoạt động như đã kể trên thì chi phí đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư chuyển đổi bao bì không hề nhỏ. Đây là một bài toán khó cho doanh nghiệp trong sản xuất, khi vừa phải đạt được mục tiêu phát triển bền vững, vừa cung cấp sản phẩm chất lượng mà giá thành phải hợp lý.

307-202410291208272.jpg
Ông Phạm Trung Thành - Trưởng ban đối ngoại Công ty Acecook Việt Nam

Khó khăn tiếp theo chính là nguồn cung ứng bền vững. Hiện nay, các đơn vị cung cấp dịch vụ, hay nguyên vật liệu bền vững trên thị trường còn ít, dẫn đến giá thành cho các dịch vụ và nguyên liệu khá cao, gây nhiều khó khăn dù doanh nghiệp rất muốn thực hiện chuyển đổi xanh. Acecook cũng hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều hơn nữa những đơn vị cung cấp các giải pháp bền vững, để doanh nghiệp sẽ dễ dàng tiếp cận và chuyển đổi với chi phí hợp lý.

Một yếu tố cũng rất quan trọng chính là bản thân doanh nghiệp mặc dù muốn thực hiện chuyển đổi xanh nhưng cũng chưa được trang bị nhiều kiến thức, doanh nghiệp phải tự mày mò học hỏi, cập nhật kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau, vừa làm vừa đánh giá, để điều chỉnh và nâng cao hơn mỗi ngày.

Acecook tin dù giai đoạn ban đầu sẽ có nhiều khó khăn nhưng nếu chúng ta quyết tâm, nỗ lực thực hiện từng bước một thì cũng sẽ đạt được mục tiêu cuối cùng là đưa doanh nghiệp đi đúng con đường chuyển đổi xanh, hướng đến phát triển bền vững, không chỉ giúp ích cho bản thân doanh nghiệp mà còn giúp ích cho môi trường, xã hội.

Mặt khác, Chuyển đổi xanh tuy gặp nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng cũng đem lại nhiều lợi ích khi thúc đẩy sản xuất và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Bên cạnh những lợi ích mang lại cho xã hội như giúp bảo vệ môi trường, giảm phát thải, phía doanh nghiệp cũng được hưởng lợi ở nhiều khía cạnh.

Việc chuyển đổi xanh trong quy trình sản xuất và vận hành cũng giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, tránh lãng phí nguồn tài nguyên.

Một lợi ích khác là các hoạt động chuyển đổi xanh của doanh nghiệp giúp tăng cường uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường, tạo lòng tin, sự trung thành của khách hàng và thu hút được nhân tài, khi ngày càng nhiều người trẻ có xu hướng chọn làm việc tại các doanh nghiệp có cam kết trách nhiệm với xã hội.

Đặc biệt, việc thực hiện chuyển đổi xanh giúp doanh nghiệp sẵn sàng đáp ứng trước những yêu cầu và biến động của thị trường, khi ngày càng nhiều quốc gia xuất khẩu có những tiêu chuẩn bền vững khắt khe hơn đối với sản phẩm. Đây cũng là cơ hội mở ra những thị trường tiềm năng, cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp đã và đang thực hiện tốt chuyển đổi xanh.

Lê Tuấn