Miễn thuế hàng giá trị “nhỏ”, thất thu thuế rất “to”
Số liệu thống kê cho thấy, từ tháng 1 - 6/2024, bình quân mỗi tháng có từ khoảng 1,3 tỷ - 1,9 tỷ USD hàng giá trị nhỏ qua biên giới không phải đóng thuế…
Theo đó, hơn nửa tháng nay, “cơn sốt” hàng giá rẻ - Temu, một nền tảng thương mại điện tử lớn thứ 2 Trung Quốc đang làm mưa làm gió tại Việt Nam. Các sản phẩm tại Temu được bán với mức giá rẻ chưa từng thấy cùng với chương trình tiếp thị liên kết tại Việt Nam với mức hoa hồng lên tới 30% cho mỗi sản phẩm.
Nhiều người đến lúc này mới “giật mình” khi đưa ra vấn đề thất thu thuế. Bởi thực tế, không chỉ Temu, mà còn nhiều sàn thương mại điện tử lớn của Trung Quốc cũng chưa hề đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Mãi đến ngày 24/10, Temu mới vội vã có văn bản chính thức gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) để thực hiện các yêu cầu về pháp luật tại Việt Nam.
Đáng nói, thống kê từ cơ quan chức năng cho thấy, tại các sàn thương mại điện tử này, bình quân mỗi ngày có hàng triệu đơn hàng giá trị nhỏ, hoặc được khai báo là quà tặng được chuyển về Việt Nam nhưng không phải đóng thuế. Theo các chuyên gia, đây chiêu trò “xé nhỏ” đơn hàng để tránh thuế trên các sàn thương mại điện tử hiện nay. Quy định miễn thuế đối với các loại hàng hoá giá trị nhỏ đang là một “lỗ hổng” khiến nguồn thu ngân sách bị thất thu rất lớn.
Tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) diễn ra ngày 29/10, vấn đề này tiếp tục làm nóng nghị trường khi đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đề xuất không miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ qua các sàn thương mại điện tử do lo ngại thất thu ngân sách và ảnh hưởng đến ngành sản xuất trong nước.
Cụ thể, theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho biết, theo số liệu thống kê, vào thời điểm tháng 3/2023, hàng ngày có khoảng từ 4 đến 5 triệu đơn hàng thương mại điện tử giá trị nhỏ được vận chuyển qua biên giới về Việt Nam. Trung bình thì mỗi đơn hàng này thì có giá trị là khoảng 200.000 đồng, như vậy, tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu hằng ngày lên đến khoảng 800 tỷ đồng. Con số này còn có thể tăng thêm do thương mại điện tử của nước ta đang thuộc một trong top 10 nước phát triển nhanh nhất trên thế giới.
Do vậy, Đại biểu cho rằng, đối với từng đơn hàng giá trị có thể nhỏ nhưng tổng lượng hàng hóa nhập khẩu theo hình thức này đã, đang và sẽ tiếp tục chiếm một khối lượng rất lớn. Nếu miễn thuế sẽ dẫn đến việc không thu được một lượng thuế khá lớn, chưa kể còn có thể dẫn đến tình trạng xé nhỏ giá trị đơn hàng để tránh thuế.
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu nêu, việc miễn thuế hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ còn ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà sản xuất và ngành bán lẻ trong nước do hàng hóa nhập khẩu sẽ được hưởng nhiều lợi thế lớn. Trước hết, việc không chịu thuế sẽ giúp hàng hóa nhập khẩu có giá rẻ hơn so với hàng hóa sản xuất trong nước và đồng thời do không phải tính thuế nên việc thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa này cũng sẽ nhanh hơn và có tính cạnh tranh cao hơn.
"Trong mấy ngày gần đây, có một số sàn thương mại điện tử của nước ngoài đang bán hàng với giá trị rất nhỏ, rất thấp, rất rẻ và rất cạnh tranh. Nếu không có những giải pháp sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành sản xuất trong nước", đại biểu nêu.
Trao đổi từ góc nhìn chuyên gia, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế cho biết, theo thống kê từ tháng 1 - 6/2024, mỗi tháng có từ khoảng 1,3 tỷ - 1,9 tỷ USD hàng hóa nhỏ qua biên giới vào Việt Nam không phải đóng thuế.
“Những hàng hóa này rõ ràng khi đóng thuế đã là một con số rất lớn. Bình quân một ngày khoảng 50 triệu USD vào, ra thị trường Việt Nam, nhưng chúng ta hoàn toàn miễn. Như vậy cơ chế chính sách của chúng ta đang không phù hợp”, ông Đinh Trọng Thịnh nêu rõ.
Dẫn chứng từ các nước trên thế giới, ông Thịnh cho hay, Liên minh châu Âu từ tháng 1/2021 đã bỏ quy định những hàng hóa có giá trị dưới 22 euro phải đóng thuế. Tại nước Anh, 135 bảng Anh trước đây không phải đóng thuế, bây giờ phải đóng thuế. Thái Lan tất cả hàng hóa ra - vào quốc gia mà đều phải chịu thuế suất 7%, không kể lớn nhỏ.
“Nếu mỗi ngày chúng ta có 4 - 5 triệu đơn qua biên giới thì con số thất thoát rất lớn. Vì thế hoàn chỉnh các cơ chế chính sách là việc cần làm ngay. Cơ chế chính sách của chúng ta phải phù hợp với từng điều kiện và theo đúng thông lệ. Năm 2010, bằng Quyết định 78, Chính phủ đề nghị không thu thuế đối với những khoản thu nhỏ dưới 1 triệu đồng để giải tỏa vấn đề thông quan và kiểm tra hải quan. Nhưng đến bây giờ, thời đại khác rồi, kinh tế số chỉ cần 1 giây là đã có đầy đủ, chúng ta không phải miễn cái đó”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Anh -Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ cá nhân, kinh doanh, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, Bộ Tài Chính đã trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng. Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật Thuế VAT. Trong tờ trình, có đề xuất bỏ quy định miễn thuế VAT với hàng hóa nhỏ lẻ. Không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới cũng đang chú ý đến việc này và họ cũng có đề xuất như vậy.
“Dự thảo Luật Thuế VAT trình Chính phủ đã đưa quy định đó vào để làm sao hoàn thiện chính sách với hoạt động thương mại điện tử", bà Lan Anh chia sẻ.