Tìm giải pháp “nâng tầm” Trà Thái Nguyên
Nâng tầm sản phẩm trà không chỉ giúp doanh nghiệp, HTX đẩy mạnh hoạt động thương mại, mà còn giúp thương hiệu Việt nói chung vươn tầm quốc tế.
Đánh giá hiệu quả của chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) sau nhiều năm nỗ lực, chuyên gia kinh tế khẳng định, bối cảnh thị trường tiêu dùng ngày càng yêu cầu cao về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm, thì chứng nhận OCOP là “bảo chứng” cho các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) chinh phục người tiêu dùng thông minh.
Càng quản lý chặt càng… thuận
Huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển nông nghiệp và các sản phẩm từ nông nghiệp, tạo nguồn thu chính cho người dân địa phương. Do đó, ngoài việc bố trí nguồn lực hỗ trợ xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, HTX, liên kết sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp, Phú Lương đặc biệt coi trọng đến việc vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tích cực tham gia sản xuất sản phẩm thuộc Chương trình OCOP của địa phương, đặc biệt là sản phẩm trà.
Phóng viên có dịp về thăm và trải nghiệm mô hình sản xuất chè tại HTX chè an toàn Hoan Xuyến, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương. Cảm nhận đầu tiên đó là những đồi chè xanh mướt, trải dài bất tận, lưu dấu sự kết tinh của tự nhiên, văn hóa và những nỗ lực lao động, sáng tạo không ngơi nghỉ của người dân nơi đây. Được chế biến qua bàn tay tài hoa của những nghệ nhân, mỗi búp chè đều mang trong mình hương vị của tình đất, tình người, bao công sức và niềm tự hào của người làm chè.
Trao đổi với nghệ nhân làng nghề Việt Nam, Giám đốc HTX chè an toàn Hoan Xuyến, chị Tống Thị Xuyến cho biết, thưởng thức chén trà Thái Nguyên nói chung, trà Phú Lương nói riêng, với mỗi người không chỉ cảm nhận được vị đắng, ngọt, mà còn cảm nhận được cả cái tâm huyết và tình yêu của những người ngày đêm gìn giữ và phát triển một thương hiệu đã trở thành niềm tự hào của cả nước. Cây chè không chỉ mang lại nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình mà còn gắn liền với đời sống văn hóa của người dân địa phương. Các lễ hội, sự kiện liên quan đến chè được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh giá trị của cây chè và sản phẩm trà.
Chị Xuyến cho rằng, thương hiệu chè Thái đã được biết đến rộng rãi trên thị trường nhiều năm qua. Sự thành công của chè Thái Nguyên đã góp phần nâng cao đời sống kinh tế nông thôn và tăng cường vị thế của Thái Nguyên trên bản đồ nông sản Việt Nam.
Tại HTX chè an toàn Hoan Xuyến, quy trình sản xuất chè từ thu hái, sao chè cho đến lên men, đều được thực hiện với sự tỉ mỉ và kỹ lưỡng. Mỗi bước trong quy trình đều đòi hỏi sự khéo léo và kinh nghiệm, nhằm giữ được hương vị và chất lượng tốt nhất của lá chè. Hiện nay, HTX vẫn giữ gìn các phương pháp truyền thống, kết hợp với những cải tiến hiện đại để tạo ra sản phẩm chè hoàn hảo.
Tính đến thời điểm hiện tại, HTX đã xây dựng được 7 dòng sản phẩm, trong đó 1 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao (là Chè xanh Hoan Xuyến) và 1 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao (là Nõn tâm trà). Doanh thu hàng năm của HTX đạt từ 1,5-1,7 tỷ đồng.
Theo chị Tống Thị Xuyến, ngành chè Thái Nguyên đang phát triển nhưng cũng đối mặt với những thách thức lớn về chất lượng cũng như cạnh tranh quốc tế khi nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng khắt khe. Mặc dù chiếm lĩnh thị trường trong nước, nhưng chè Thái Nguyên vẫn chưa có nhiều “cơ hội” trên thị trường thế giới, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Lý giải điều này, chị Xuyến cho rằng, trước đây, việc phần lớn các hộ trồng chè lạm dụng thuốc trừ sâu hóa học, thuốc diệt cỏ đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người trồng đầu tiên với nhiều căn bệnh nan y chị tận mắt chứng kiến, sau đó là người tiêu dùng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến chè Thái Nguyên bị “mất điểm” trong hành trình tìm đường xuất khẩu ra nước ngoài. Do đó, việc xây dựng các vùng trồng áp dụng quy chuẩn VietGAP từ khâu canh tác, thu hái, chế biến đến đóng gói đảm bảo chất lượng tốt nhất và sự an toàn tối đa là giải pháp hữu hiệu để giữ vững thương hiệu chè cho Thái Nguyên và chè Phú Lương.
Thêm vào đó, để hướng tới hình thành các vùng trồng nguyên liệu chè tập trung, quy mô lớn, chất lượng cao, tỉnh Thái Nguyên đang tập trung triển khai nhiều đề án phát triển sản phẩm chè, nâng cao năng suất và chất lượng chè, áp dụng các quy trình canh tác, trồng chè hiện đại, hỗ trợ máy móc, sử dụng quy trình chế biến hiện đại để bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng.
“Việc các cơ quan quản lý nhà nước quản lý chặt chẽ quy trình trồng, sản xuất, kinh doanh để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tuyệt đối với các cơ sở kinh doanh sẽ là lợi thế lớn để các doanh nghiệp, HTX làm ăn chân chính phát triển, lấy lại thương hiệu đã bị ảnh hưởng trước kia để từ đó nâng tầm cho các sản phẩm chè Phú Lương nói riêng, Thái Nguyên nói chung, hướng tới “xuất ngoại” cho nông sản địa phương”, chị Xuyến cho hay.
Theo Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 có tổng kinh phí thực hiện là 833,6 tỷ đồng, Thái Nguyên trở thành trung tâm du lịch của vùng Việt Bắc với sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa trà, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao.
Hướng tới nền nông nghiệp tuần hoàn
Nông nghiệp tuần hoàn đang được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao giá trị sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường và hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững và hiệu quả. Theo đó, trên địa bàn huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều đơn vị HTX và người dân áp dụng thành công mô hình tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo anh Tống Văn Viện, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nông sản Phú Lương (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên), kinh tế nông nghiệp tuần hoàn là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý, các chất thải, phế phụ phẩm sẽ được tái chế, quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm lãng phí, thất thoát và giảm tối đa lượng chất thải, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng phụ phế phẩm trong sản xuất, bảo vệ môi trường.
Hiện nay, HTX Nông sản Phú Lương đang áp dụng mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn trong sản xuất chè. Theo đó, xưởng sản xuất phân bón hữu cơ sẽ thu gom các phụ phế phẩm nông nghiệp của người dân trong vùng, sau đó ủ phân vi sinh hữu cơ. Khi đã tạo ra một lượng phân vi sinh hữu cơ ổn định, HTX sẽ cung cấp cho người dân để phát triển cây chè. Song hành với quy trình này, các kỹ sư nông nghiệp sẽ trực tiếp hướng dẫn bà con về kỹ thuật chăm sóc cây chè, cách chế biến chè sao cho đạt chất lượng cao nhất. Khi chè của người dân đạt tiêu chuẩn, chất lượng theo đúng yêu cầu, HTX sẽ thu mua, bao tiêu sản phẩm chè tươi cho người dân.
Anh Tống Văn Viện cho biết, mô hình này vừa giúp tận dụng tối đa những phế phụ phẩm trong nông nghiệp để bón cho cây chè, đồng thời lại giúp nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm từ cây chè. Nếu như trước đây giá chè tươi trong vùng chỉ dao động từ 24.000 – 26.000 đồng/kg thì khi sản xuất theo đúng yêu cầu đặt ra, HTX sẽ thu mua với giá từ 30.000 - 38.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm là 40.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường.
Cùng với chè, thì lúa và các nông sản khác cũng cần áp dụng mô hình kĩ thuật này để tăng năng suất và chất lượng. Anh Viện cho rằng, để nông sản Phú Lương và tỉnh Thái Nguyên được vươn xa, tiếp cận thị trường trong nước một cách sâu rộng, hướng tới xuất khẩu, thì chất lượng phải đặt lên hàng đầu. Do đó, HTX mong muốn cơ quan quản lý, chính quyền địa phương tạo điều kiện quy hoạch quỹ đất để xây dựng vùng trồng tập trung theo chuẩn quy trình, nhân rộng mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Đồng thời, HTX mong muốn được bố trí quỹ đất để xây dựng nhà xưởng với quy mô lớn, vừa là nơi sản xuất, vừa là nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương cho các khách hàng và du khách tới tham quan, trải nghiệm, thưởng thức trà và nông sản của địa phương, góp phần phát triển ngành du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm cho Thái Nguyên.
Hiện tại, HTX đã xây dựng được 3 sản phẩm OCOP 4 sao, bao gồm: Trà mầm sương sớm Hương Quê; Trà tôm nõn Hương Quê và Trà móc câu Hương Quê. Bên cạnh đó, HTX đang triển khai sản xuất và xây dựng thương hiệu cho gạo nếp vải Phú Lương. Doanh thu dự kiến năm 2024 đạt trên 10 tỷ đồng.
Tạo không gian văn hóa thưởng trà
Tại xã Phúc Thuận, thành phố Phổ Yên, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây vô cùng thuận lợi để tạo nên những đồi chè xanh mát, thu hút bất kì ai mỗi khi đặt chân đến đây. Thương hiệu Chè Phúc Thuận tuy mới được hình thành cách đây chừng hơn 20 năm nhưng đã nhanh chóng chinh phục được khách hàng gần xa, từng bước tiến vào thị trường trà ngon cao cấp trong nước.
Anh Nguyễn Huy Sơn, Giám đốc Công ty CP Trà Việt Thái (xóm Tân Ấp 1, xã Phúc Thuận, TP Phổ Yên) cho biết, Trà Việt Thái không chỉ là một biểu tượng của truyền thống và hiện đại, mà còn là sự kết tinh của những lá chè quý từ Phổ Yên, vùng đất Thái Nguyên – cái nôi của nền văn hóa chè Việt Nam. Được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu ôn hòa và thổ nhưỡng giàu dinh dưỡng, Phổ Yên mang đến những lá chè đậm đà, thuần khiết và tinh tế, nhưng vẫn còn là một vùng nguyên liệu tiềm năng chưa được khám phá hết.
“Chúng tôi tự hào khi trở thành một trong những thương hiệu tiên phong trong việc phát triển vùng chè Phổ Yên. Bằng sự tôn trọng với truyền thống và lòng nhiệt huyết đổi mới, Trà Việt Thái kết hợp giữa phương pháp trồng chè thủ công và công nghệ hiện đại, để giữ nguyên những giá trị tinh túy nhất của lá chè từ vùng đất này. Từng búp chè được thu hái thủ công và chế biến cẩn thận nhằm đảm bảo hương vị nguyên bản, chất lượng tối ưu cho khách hàng”, anh Nguyễn Huy Sơn chia sẻ.
Anh Sơn cũng cho rằng, để mang thương hiệu chè tới đông đảo khách hàng trong và ngoài nước, Thái Nguyên cần tạo điều kiện về quỹ đất cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng mô hình không gian văn hóa thưởng trà. Đồng thời, doanh nghiệp, HTX cần nắm bắt xu thế hiện nay của du khách khi đến với Thái Nguyên là được tham quan và trải nghiệm tại các vùng chè, tham quan dây chuyền sản xuất, chế biến chè. Ngoài ra, việc mở rộng hệ thống dịch vụ như ăn uống, ngủ nghỉ, có hướng dẫn viên tại điểm và những trà nương pha trà sẽ đảm bảo đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của du khách và giữ chân được du khách lâu hơn khi đến với Phổ Yên nói riêng và du lịch Thái Nguyên nói chung. Đây cũng một trong những hướng đi mới cần được nhân rộng tại Thái Nguyên nhằm mục tiêu phát triển du lịch bền vững cho địa phương.