Dự án một luật sửa 4 luật ngành đầu tư: Cân nhắc bảo đảm sự thống nhất
Để tránh chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật, cơ quan thẩm tra Dự án một luật sửa 4 luật ngành đầu tư đề nghị cân nhắc để bảo đảm sự thống nhất…
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 30/10, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (Dự án một luật sửa 4 luật ngành đầu tư).
Trình bày tóm tắt về Dự án Luật tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng Luật nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy nhanh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu.
Theo ông Dũng, Luật tập trung sửa đổi những quy định có mâu thuẫn, đang gây vướng mắc, yêu cầu cấp bách để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Những quy định được sửa đổi được xác định rõ ràng nội dung sửa đổi và đánh giá tác động cụ thể; bảo đảm tính độc lập, ổn định, kế thừa được nội dung khi sửa đổi, bổ sung toàn diện các luật.
Bên cạnh đó, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước, cam kết quốc tế của Việt Nam…
Cho ý kiến thẩm tra Dự án Luật này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các luật thuộc Dự án Luật với cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn đã được nêu tại Tờ trình số 675/TTr-CP của Chính phủ.
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – Vũ Hồng Thanh cho biết, Hồ sơ Dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến công tác quy hoạch, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu, trong đó có những quy định liên quan trực tiếp đến nguồn lực, ngân sách Nhà nước, thẩm quyền, phân cấp, phân quyền cho bộ, ngành, địa phương, thủ tục hành chính...
Tuy nhiên, Báo cáo đánh giá tác động còn nhận định chung chung, định tính, thiếu số liệu minh chứng thể hiện sự cấp bách và vướng mắc trên thực tiễn, đặc biệt trong một số chính sách còn nhận định chưa thể đánh giá được cụ thể các tác động về kinh phí mang tính định lượng, thiếu cơ sở để lựa chọn giải pháp phù hợp, do đó đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung làm rõ. Đồng thời, đề nghị bổ sung Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Dự án Luật theo quy định.
Theo ông Thanh, về tính thống nhất của Dự án Luật với hệ thống pháp luật, Dự thảo Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến trình tự lập quy hoạch, nội dung quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh là các quy hoạch được lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch.
Tuy nhiên, tại Kỳ họp thứ 7 và thứ 8, Chính phủ cũng đề xuất ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản, sửa đổi Luật Điện lực và Luật Di sản văn hóa sửa đổi các nội dung về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh mà không đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay các quy định có liên quan đến các nội dung nói trên tại Luật Quy hoạch là chưa phù hợp.
Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, chỉnh lý các Dự thảo luật để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật; tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tránh một nội dung quy định tại nhiều luật dẫn tới chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật; đơn giản hoá trình tự, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch.
Cùng với các nội dung đã nêu, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng để nghị cơ quan soạn thảo xem xét, rà soát lại một số nội dung tại các luật được đề xuất sửa đổi, bổ sung.
Cụ thể, về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu sửa đổi các quy định có liên quan đến việc đánh giá sự phù hợp với quy hoạch tại Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và một số dự thảo luật đang trình Quốc hội như Dự thảo Luật Điện lực để bảo đảm tính khả thi, thống nhất, tránh vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, góp phần giải quyết các khó khăn, vướng mắc cấp thiết trong thực tiễn thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, đề nghị cân nhắc các quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt; về phân cấp thêm cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt có quy mô vốn đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Báo cáo thẩm tra cũng đề nghị rà soát lại các quy định liên quan đến lĩnh vực, quy mô đầu tư theo phương thức PPP và quy mô vốn đầu tư tối thiểu để thực hiện dự án PPP; loại hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao); quy định chuyển tiếp.
Đồng thời, về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, đề nghị là rõ quy định liên quan đến đấu thầu trước và lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.