Chứng khoán

Biến động giao dịch tại cổ phiếu VIB

Lê Mỹ 30/10/2024 09:51

Cổ phiếu VIB - Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam có đợt biến động giao dịch sang tay khối lượng lớn, liên quan đến hoạt động thoái vốn của cổ đông lớn.

Phiên giao dịch chứng khoán ngày 29/10 ghi nhận sự hồi phục cả điểm số lẫn thanh khoản của thị trường. Trong đó điểm sáng nhất là thanh khoản cải thiện đáng kể khi tổng giá trị giao dịch trên ba sàn đạt 19.973,8 tỷ đồng, tăng hơn 62% so với phiên liền trước. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh thị trường đã rất nhiều phiên chịu chứng kiến dòng tiền đứng ngoài khiến việc “leo dốc” tìm ngưỡng 1.300 liên tục thất bại.

vib.jpg
Cổ phiếu VIB có đợt giao dịch sang tay khủng, dẫn đến thay đổi cơ cấu/ tỷ lệ nắm giữ của cổ đông lớn

Giao dịch trong phiên này ghi nhận Vinhomes (VHM) vẫn tiếp tục mua cổ phiếu quỹ theo kế hoạch. Theo cập nhật mới nhất từ Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), tính đến cuối phiên 29/10, Vinhomes đã mua được tổng cộng hơn 57 triệu cổ phiếu quỹ, chiếm 15,43% tổng số lượng đăng ký. Con số này tăng thêm hơn 8,8 triệu đơn vị so với cuối phiên 28/10.

Bên cạnh đó, phiên giao dịch này còn chứng kiến khối ngoại bán mạnh cổ phiếu VIB. Dữ liệu cho thấy có tới 18 lệnh thỏa thuận bán 300 triệu cổ phiếu VIB với tổng giá trị 5.401 tỷ đồng trong phiên, góp phần đẩy giá trị giao dịch thỏa thuận toàn phiên lên 7.265 tỷ đồng, tăng 242% so với phiên cuối tuần trước và chiếm 36,4% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.

Theo dữ liệu, các lệnh bán này chủ yếu từ phía nhà đầu tư nước ngoài và được các nhóm nhà đầu tư trong nước mua vào mạnh. Tương ứng, cổ đông chiến lược CBA của VIB đã xác nhận hoàn thành bán ra 300 triệu cổ phiếu VIB trong phiên 29/10. Theo quy định, giao dịch này dự kiến ​​thanh toán vào ngày 31/10, giúp CBA thu về khoảng 320 triệu AUD (tương đương 5.314 tỷ đồng).

CBA cũng cho biết trong thông báo là "Việc thoái vốn phù hợp với chiến lược của CBA là tập trung vào các hoạt động kinh doanh của ngân hàng tại Australia và New Zealand. Sau khi hoàn tất giao dịch, CBA còn nắm khoảng 5% cổ phần tại VIB".

Đối ứng lực bán khủng nói trên, dữ liệu ghi nhận không có nhà đầu tư nước ngoài mua vào. Nhóm nhà đầu tư cá nhân dẫn đầu với giá trị mua ròng 3.213 tỷ đồng, trong khi các tổ chức trong nước mua ròng 2.187 tỷ đồng và khối tự doanh đạt 513 tỷ đồng.

Trước đó, VIB cũng liên tục ghi nhận trạng thái khối ngoại bán lớn. Gần nhất như tại phiên 24/9, khối ngoại bán hơn 148 triệu cổ phiếu VIB với giá trị 2.664 tỷ đồng. Các nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục là lực mua chính với 1.611 tỷ đồng, trong khi các tổ chức mua 261 tỷ đồng và nhóm tự doanh mua 792 tỷ đồng.

Sau phiên này, CTCP Unicap đã trở thành cổ đông lớn tại VIB với động thái mua vào gần 66,8 triệu cổ phiếu, tương đương 2,24% vốn điều lệ VIB.

Giao dịch sang tay cổ phiếu khối lượng khủng được xem là động thái thoái vốn của khối ngoại tại VIB, thực hiện kể từ khi Đại hội đồng cổ đông bất thường vào tháng 6 của VIB có quyết định thông qua việc giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 20,5% xuống 4,99%, chính thức áp dụng từ ngày 1/7/2024. Theo đó, CBA liên tục bán ra lượng lớn cổ phiếu VIB từ đầu tháng 7. Và với lượng bán vừa qua, CBA đã đẩy khối lượng cần bán để đưa tỷ lệ sở hữu về mức room ngoại được khóa của ngân hàng này.

Theo công bố về danh sách cổ đông lớn nắm trên 1% cổ phần sở hữu VIB tại ngày 4/10, Unicap và nhóm cổ đông liên quan đang nắm 5,669% cổ phần; CBA nắm 14,77%. Ngày 5/10, theo công bố trở thành cổ đông lớn sở hữu trên 5% của bà Nguyễn Thùy Nga- Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Unicap, bà Nga nắm giữ hơn 70 triệu cổ phiếu, tương đương 2,351% vốn VIB và người có liên quan là bà Tống Ngọc Mỹ Trâm - Thành viên HĐQT nắm gần 98 triệu cổ phiếu, tương đương 3,288% vốn VIB. Tổng cộng Unicap và nhóm liên quan nắm 222.522.669 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 7,704% sở hữu tại VIB.

Danh sách cổ đông nắm trên 1% và tỷ lệ sở hữu sẽ thay đổi sau phiên sang tay cổ phiếu lớn như nêu.

Chốt phiên 29/10, thị giá của VIB là 18.750 đồng/cổ phiếu, tăng gần 3% so với phiên liền trước.

Lê Mỹ