Trà Vinh nỗ lực xây dựng chính quyền số
Thời gian qua tỉnh Trà Vinh đã tích cực triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) được cung cấp trên nhiều kênh khác nhau để người dân, doanh nghiệp dễ dàng truy cập, sử dụng.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Nầy - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Trà Vinh với Doanh Nhân.
- Ông có thể chia sẻ về kết quả thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, giúp cho doanh nghiệp, người dân dễ dàng tiếp cận thông tin?
Nhằm góp phần xây dựng và phát triển chính quyền số, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương tỉnh Trà Vinh tích cực triển khai các thành phần CNTT thiết yếu phục vụ đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Với phương châm tăng cường công khai giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên cả 5 phương diện: Thứ nhất về Chuyển đổi nhận thức, thứ hai về Hạ tầng số, thứ ba về Nền tảng, dữ liệu liệu số, thứ tư về Chính quyền số và cuối cùng về Triển khai các hoạt động phát triển kinh tế số, xã hội số.
Hiện nay tỉnh đã cung cấp 676 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) một phần, 1.039 DVCTT toàn trình và rà soát, công khai 1.690 TTHC lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử đạt 82,31%; kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 52,41%; tỷ lệ DVCTT có phát sinh hồ sơ trực tuyến 79%.
Tỉnh tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, vận hành sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử trong điện lực của tỉnh đạt 100%. Ngoài ra, tỉnh đã triển khai sử dụng hóa đơn điện tử; nộp thuế, kê khai thuế qua mạng đến nay có 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh đã đẩy mạnh triển khai việc phổ cập danh tính số (cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân): toàn tỉnh đã thu 630.431 tài khoản định danh điện tử, đã kích hoạt 527.907 tài khoản (86.559 tài khoản mức 1, 441.348 tài khoản mức 2). Phổ cập cho gần 900.000 lượt người dân trên địa bàn tỉnh cài đặt, sử dụng các ứng dụng Smart Trà Vinh; VneID; dịch vụ tư vấn khám chữa bệnh từ xa, sổ khám chữa bệnh điện tử; kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số phát triển thương hiệu, tham gia sàn thương mại điện tử; cài đặt ứng dụng VssID,...
- Đâu là những “rào cản” phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số thưa ông?
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong quá trình thực hiện công tác chuyển đổi số của tỉnh cũng gặp một số mặt khó khăn, hạn chế như:
Thứ nhất, nhận thức về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyển đổi số trong công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp còn chưa đầy đủ.
Thứ hai, hiện tại UBND tỉnh đã ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung, quy chế khai thác Kho dữ liệu dùng chung tuy nhiên việc tổ chức thu thập, khai thác dữ liệu còn hạn chế.
Thứ ba, tỷ lệ giao dịch áp dụng hình thức thanh toán trực tuyến còn thấp. Kỹ năng số của người dân còn chưa cao, người dân chưa thực sự quan tâm đến việc tự bảo đảm an toàn thông tin trên môi trường mạng.
Thứ tư, việc tổ chức khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa chưa đảm bảo yêu cầu. Do đó, làm chậm quá trình chuyển đổi số trong kinh tế địa phương, gây khó khăn trong cải tiến năng suất và hiệu quả sản xuất.
Thứ năm, UBND tỉnh đã xây dựng Trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC) từ năm 2022. Tuy nhiên, các cơ sở dữ liệu (CSDL) được triển khai nhưng còn hoạt động độc lập, chưa được đầu tư về hệ thống nền tảng dùng chung, khó khăn cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với IOC của tỉnh, dẫn đến việc giám sát, quản lý còn chưa toàn diện.
- Để tháo gỡ những rào cản nói trên, Sở đã tham mưu tỉnh những chính sách phát triển ra sao, thưa ông?
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, thời gian tới Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tập trung xây dựng, phát triển các CSDL chuyên ngành phục vụ chuyển đổi số bảo đảm yêu cầu kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh theo quy định; tổ chức tạo lập, chia sẻ, khai thác dữ liệu số Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh, Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân tại Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh; tổ chức khai thác, cung cấp dịch vụ dữ liệu qua Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu tập trung của tỉnh; tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin.
Hai là, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển hạ tầng số theo Kế hoạch đã ban hành; triển khai hiệu quả và phát triển các nền tảng số, ứng dụng số, dịch vụ số, tập trung phát triển và đẩy mạnh phát triển nền tảng trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo, ứng dụng công dân số phục vụ chính quyền, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ba là, tổ chức hội nghị, các lớp tập huấn, các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, nhất là dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng số,…cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân, doanh nghiệp; phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng trong hướng dẫn kỹ năng sử dụng dịch vụ trong chuyển đổi số cho người dân, doanh nghiệp.
Bốn là, đẩy nhanh tiến độ triển khai nâng cấp Hệ thống Thông tin giải quyết thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật; tổ chức nghiêm việc số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính; rà soát đơn giản hóa quy trình, biểu mẫu thủ tục hành chính trên cơ sở sử dụng tối đa dữ liệu được số hóa, dữ liệu được chia sẻ.
Năm là, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế số, xã hội số; triển khai các giải pháp phát triển doanh nghiệp số, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh chuyển đổi số.
- Trân trọng cảm ơn ông!