Bộ Xây dựng: Tiến độ triển khai dự án nhà ở xã hội vẫn chậm
Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho thấy, tiến độ triển khai dự án nhà ở xã hội vẫn còn chậm khi cả nước chỉ có duy nhất 1 dự án đã hoàn thành trong quý 3/2024.
Theo báo cáo từ các địa phương, tính đến quý 3/2024, cả nước có tổng cộng 8 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai với quy mô khoảng 4.960 căn hộ. Trong số này, chỉ có 1 dự án đã hoàn thành một phần với 200 căn hộ, và 4 dự án khác đã tiến hành khởi công xây dựng.
Một số dự án làm lễ động thổ như Dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên của Công ty TNHH Thương mại xây dựng Lê Thành (TP HCM) với quy mô gần 1.500 căn; Dự án nhà ở an sinh xã hội – khu 6 Vietsing (Bình Dương) của Tổng Công ty đầu tư và phát triển CN – CTCP; Dự án nhà ở xã hội KT Home – CTCP địa ốc Kim Thi (Nghệ An). Ngoài ra, có thêm 3 dự án khác với quy mô 2.676 căn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, tính từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 622 dự án nhà ở xã hội đã được thực hiện với khoảng 565.177 căn. Trong đó có 79 dự án đã hoàn thành, cung cấp 42.414 căn cho thị trường; 131 dự án khác đang trong quá trình xây dựng với 111.687 căn; và 412 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng quy mô 411.076 căn.
Nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng thu nhập thấp có thể tiếp cận nhà ở xã hội, Chính phủ đã triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Ngoài các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank), còn có thêm ngân hàng TPBank, VPBank, MBBank và Techcombank đã có văn bản đăng ký tham gia chương trình với số tiền đăng ký của mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 34/63 UBND tỉnh có văn bản, công bố danh sách 83 dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi.
Về kết quả giải ngân, tổng dư nợ hiện tại đạt 1.783 tỷ đồng. Cụ thể, đối với doanh nghiệp, đã có 15 dự án ký hợp đồng tín dụng với tổng mức cam kết 4.200 tỷ đồng, dư nợ là 1.633 tỷ đồng. Cùng với đó là 68 dự án còn lại chưa ký hợp đồng tín dụng cho vay theo Chương trình 120.000 tỷ đồng, trong đó có 57 dự án chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn, và 6 dự án đang được các ngân hàng thẩm định, 5 dự án không đáp ứng điều kiện cho vay.
Đối với người mua nhà, Bộ Xây dựng cho biết, qua rà soát hiện nay nguồn vốn 120.000 tỷ đã giải ngân khoảng 150 tỷ đồng cho người mua nhà tại 12 dự án, bao gồm một số dự án lớn như Khu nhà ở xã hội Trung Minh A và Trung Minh B tại Hòa Bình, với tổng quy mô 2.361 căn, và một dự án tại Cần Thơ với 315 căn.
Mặc dù Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đã được ban hành, các vướng mắc khó khăn về thể chế, quy định pháp luật (đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, tín dụng...) đối với doanh nghiệp đã cơ bản được tháo gỡ, song vẫn còn một số hạn chế do cần có thời gian để các cơ chế, chính sách, pháp luật mới được ban hành được thực thi có kết quả, “đi vào cuộc sống”.
Để đạt mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ ngành chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc các địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án đã đặt ra.
Đồng thời, tổ chức các chương trình tập huấn, phổ biến Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và các văn bản quy định chi tiết mới được ban hành đến các địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Về phía các địa phương, cần đẩy mạnh triển khai thực hiện đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội. Đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của địa phương.
Quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Đồng thời, đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp, chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục pháp lý thực hiện đầu tư xây dựng, hoàn thành dự án nhà ở xã hội trên địa bàn.