Mỹ thay đổi chính sách thương mại: EU lên kịch bản đối phó
Bầu cử Tổng thống Mỹ chưa diễn ra nhưng đã ảnh hưởng sâu sắc đến mối quan hệ thương mại, đầu tư trị giá 1,2 nghìn tỷ euro với EU.
Trong khi thế giới thương mại, đầu tư, kinh doanh hồi hộp chờ kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, mọi thứ đổ dồn vào ông Donald Trump, thì ngay chính châu Âu đã chuẩn bị cho mình kịch bản rộng lớn hơn rất nhiều. Brussels dần nhận ra rằng, ai thắng cử thì nước Mỹ vẫn trên hết!
Một nhà ngoại giao cấp cao tại châu Âu (giấu tên) đưa ra quan điểm: “Mối quan tâm chính của người Mỹ là nền kinh tế và câu trả lời sẽ phải là chủ nghĩa dân tộc kinh tế nhiều hơn - Tôi không hoàn toàn đồng ý với điều đó, nhưng tôi không thấy cách tiếp cận nào khác”.
Quan hệ thương mại và đầu tư của EU với Mỹ cực kỳ quan trọng đối với các quốc gia châu Âu. Đây là hệ sinh thái thương mại đầu tư song phương lớn nhất thế giới, đạt mức cao nhất mọi thời đại là 1,2 nghìn tỷ euro (1,29 nghìn tỷ đô la Mỹ) vào năm 2021, theo dữ liệu từ Ủy ban châu Âu.
Bà Kamala Harris có khả năng tiếp tục các chính sách hiện tại của Tổng thống Joe Biden. Về mặt kinh tế, các chính sách này đã tác động lên châu Âu bởi Đạo luật Giảm lạm phát trị giá tổng cộng 369 tỷ đô la Mỹ nhắm vào các chính sách về khí hậu và năng lượng.
Chính sách “Nước Mỹ trên hết” có khả năng sẽ gây ra nhiều hậu quả hơn đối với các nền kinh tế châu Âu dưới thời các Tổng thống của đảng Cộng hòa. Ông Trump đã đe dọa sẽ áp dụng thêm thuế quan toàn diện là 10 - 20% đối với các sản phẩm châu Âu. Điều này có thể gây áp lực cho các nhà xuất khẩu của khối và theo dữ liệu từ Goldman Sachs, làm suy yếu đồng euro tới 10%.
Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu kinh tế IW có trụ sở tại Berlin cho rằng, với mức thuế quan như ông Trump cảnh báo, GDP của EU và Đức sẽ giảm trong những năm tới.
Các nhà lãnh đạo EU đã có 5 năm ‘toát mồ hôi hột” với cựu Tổng thống Trump. Hai bên thường có quan điểm khác nhau về thương mại, quốc phòng, công nghệ và nhiều vấn đề khác.
Một nhân vật ngoại giao cấp cao khác, nói rằng: “Ông Trump không thể làm chúng ta ngạc nhiên nữa, chúng ta biết cách xử lý, chúng ta đã từng phải đối phó với ông ấy trước đây. Không có gì phải hoảng loạn. Chúng tôi đang rất thực tế, nhưng tất nhiên chúng tôi phải chuẩn bị cho cả hai kịch bản. Ủy ban châu Âu đang thực hiện các sáng kiến “táo bạo” để phòng ngừa trong trường hợp bất kể ai sẽ trở thành Tổng thống Mỹ tiếp theo”.
Trong một tuyên bố chung hồi đầu tháng này, 27 nguyên thủ quốc gia của EU đã kêu gọi nhiều nỗ lực hơn nữa để nâng cao khả năng cạnh tranh của EU, củng cố khả năng phục hồi kinh tế, đảm bảo đổi mới công nghiệp và đạt được tiềm năng đầy đủ của thị trường chung.
Bộ trưởng Tài chính Đức, ông Christian Lindner hiến kế: “Trong trường hợp đó, chúng ta cần những nỗ lực ngoại giao để thuyết phục bất kỳ ai bước vào Nhà Trắng rằng việc có xung đột thương mại với EU không mang lại bất cứ ích lợi nào với Mỹ”.
Tuy nhiên, EU không hoàn toàn thống nhất quan điểm ứng phó với chính sách thương mại, đầu tư thay đổi từ bên kia Đại Tây Dương. Thủ tướng Hungary Viktor Orban được cho là đã nói với các nhà báo tại Brussels rằng ông sẽ mở “một số chai sâm panh” nếu D. Trump trở lại Nhà Trắng.