Nghiên cứu - Trao đổi

Tháo gỡ vướng mắc thúc đẩy các dự án PPP giao thông

Yến Nhung 30/10/2024 15:38

Nhiều ý kiến kỳ vọng, việc sửa đổi Luật PPP sẽ khắc phục “điểm nghẽn” cho các dự án PPP giao thông nhằm củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư, khơi thông dòng chảy vốn.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong hơn 3 năm thực hiện Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), có 31 dự án mới đang được triển khai thực hiện và 11 dự án đang chuẩn bị đầu tư theo mô hình PPP. Đây đều là các dự án trọng điểm, quy mô lớn của quốc gia, địa phương với tổng mức đầu tư khoảng 380.000 tỷ đồng, nhu cầu sử dụng khoảng 190.000 tỷ vốn nhà nước, hoàn thành góp phần mở rộng, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, kinh tế - xã hội của các địa phương.

Nhiều ý kiến đề nghị, cần bổ sung các quy định chặt chẽ về việc huy động, sử dụng nguồn lực hỗ trợ khi kèm điều kiện từ nhà tài trợ - Ảnh minh họa: ITN
Nhiều chuyên gia nhận định PPP là phương thức cần thiết, khả thi đối với Việt Nam để huy động tài chính tư nhân từ các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng...- Ảnh minh họa: ITN

Đặc biệt, trong bối cảnh Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng 3.000km đường cao tốc tới năm 2030, cùng với chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam được phê duyệt, vai trò của các dự án PPP trong việc phát triển hạ tầng giao thông trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhiều chuyên gia nhận định PPP là phương thức cần thiết, khả thi đối với Việt Nam để huy động tài chính tư nhân từ các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng, định chế tài chính trong và ngoài nước, vừa bù đắp thiếu hụt nguồn lực, vừa bổ sung năng lực, công nghệ quản trị, xây dựng… tiên tiến của khu vực tư nhân cho phát triển hạ tầng, dịch vụ công.

Tuy nhiên, những năm qua, nhất là sau đại dịch Covid-19 và do nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến nhà đầu tư các dự án gặp nhiều khó khăn. Theo đó, với việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật PPP tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu (Luật sửa đổi 4 luật), Chính phủ kỳ vọng sẽ tiếp tục mở hết dư địa có thể để thu hút đầu tư tư nhân, đáp ứng nhu cầu phát triển, trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro.

Xoay quanh vấn đề này, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Nghiệm, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn cho biết, có 11 dự án đang gặp khó khăn tài chính, cần quan tâm xem xét giải quyết với khoảng 15.000 tỷ đồng. Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn là một ví dụ điển hình, dù dự án đem lại hiệu quả lớn song vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, đòi hỏi các giải pháp và cơ chế tháo gỡ triệt để.

Trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng đã nhấn mạnh việc cần có cơ chế phù hợp để giải quyết khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nhà đầu tư xử lý các tồn đọng hiện nay. Với chủ trương này, các bộ, ngành, địa phương cũng đã có kiến nghị lên Chính phủ.

“Với chủ trương như vậy, chúng tôi nhận thấy rằng các bộ, ngành, địa phương cũng đã có các kiến nghị với Chính phủ. Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội cũng đưa ra chủ trương. Trong chương trình họp này, Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua Luật sửa đổi 4 luật. Tôi ủng hộ và cho rằng đây là việc làm hết sức cần thiết”, đại biểu này bày tỏ.

Ngoài ra, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị rà soát, bổ sung các nội dung nhằm khắc phục và tháo gỡ “điểm nghẽn” tại các dự án đang triển khai hoặc đã đưa vào vận hành. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, củng cố niềm tin và uy tín của Đảng và Nhà nước đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư.

07027fe5-fbaf-404d-89cc-27f4e5ea810f.jpeg
Nhiều kỳ vọng việc sửa đổi Luật PPP sẽ khắc phục “điểm nghẽn” cho các dự án PPP giao thông khơi thông dòng chảy vốn - Ảnh minh họa: ITN

Đồng quan điểm, PGS-TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) nhận định, có hai điểm bất cập cần được giải quyết trong lần sửa đổi Luật này. Thứ nhất là những dự án PPP thường đi qua các khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn, lưu lượng phương tiện thấp, trong khi tỷ lệ vốn nhà nước thường chiếm không quá 50%, làm gia tăng nguy cơ đổ vỡ tài chính. Điểm bất cập thứ hai nằm ở mối quan hệ bất cân xứng giữa Nhà nước và nhà đầu tư trong các dự án PPP.

“Nhà nước vẫn có vị thế là cơ quan quản lý. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp trong hợp đồng, các nhà đầu tư thường là bên chịu thiệt”, ông Trần Chủng nêu rõ.

Chủ tịch VARSI kỳ vọng rằng trong lần sửa Luật PPP này sẽ bổ sung quy định điều chỉnh nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia các dự án lên tối đa 70%, bên cạnh đó, cần điều chỉnh lại quan hệ hợp tác giữa các bên, nhằm đảm bảo tính công bằng và thúc đẩy thành công của các dự án PPP trong thời gian tới.

“Luật PPP sửa đổi nên bổ sung cơ chế chia sẻ rủi ro giữa các bên đối với những dự án đang trong quá trình vận hành khai thác gặp khó khăn về phương án tài chính”, PGS-TS Trần Chủng nhấn mạnh.

Yến Nhung