Cơ chế DPPA: Doanh nghiệp mong chờ hướng dẫn
Cơ chế DPPA sẽ đem lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sử dụng điện lớn, đồng thời mở ra thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện.
Quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (Cơ chế DPPA) được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 03/7/2024, đáp ứng được nguyện vọng của các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp FDI trên toàn quốc.
Doanh nghiệp loay hoay
Tuy nhiên, sau 4 tháng ban hành, hiện tại doanh nghiệp vẫn ngóng Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định này để có hành lang pháp lý triển khai, áp dụng.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp các khách hàng sử dụng điện lớn cho biết: Mua bán điện theo cơ chế DPPA được áp dụng thông qua nguyên tắc gồm: Mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng và mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia.
Đối với phương án mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia chưa thực hiện được, bởi về mặt quy định, Chính phủ chưa ban hành các quy định về cách tính toán về chi phí như: chi phí truyền tải, phân phối-bán lẻ điện, quản lý, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện, chi phí thanh toán bù trừ chênh lệch và các hợp đồng thủ tục ký kết với EVN…Từ đó dẫn đến việc thiếu cơ sở pháp lý trong việc đàm phán giá điện với khách hàng.
Bên cạnh đó, các bất cập liên quan đến việc đàm phán, quy định về xuất hóa đơn VAT trong trường hợp Đơn vị phát điện thanh toán phần chênh lệch theo Hợp đồng kỳ hạn sẽ gặp khó khăn. Đồng thời các ngân hàng, tổ chức tín dụng cũng chưa có phương án tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo (NLTT) tham gia cơ chế này. Do đó phương án mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia phải chờ một thời gian khá lâu khi có đầy đủ các quy định hướng dẫn cụ thể nhằm giải quyết các rào cản trên thì các bên mới có thể triển khai được.
Còn về phương án mua điện qua đường dây riêng, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá sẽ thực hiện dễ hơn vì thực hiện ít thủ tục hơn, tuy nhiên hiện tại cũng chưa có Thông tư hướng dẫn cho doanh nghiệp thực hiện. Trong đó có nhiều vấn đề liên quan đến việc có phải xin bổ sung duyệt công suất theo quy hoạch hay không, hoặc các dự án chuyển tiếp bị lỡ giá FIT đang được hưởng giá tạm theo Quyết định 21 có được chuyển sang tham gia loại hình DPPA, thì hiện nay chưa có câu trả lời chính xác.
Cần có hướng dẫn
Nhận định đến các vướng mắc của cơ chế DPPA, đại diện Công ty IPC Việt Nam cho biết: DPPA còn mới ở Việt Nam, nên chúng ta còn thiếu sự kết nối giữa các nhà đầu tư NLTT và doanh nghiệp sử dụng điện lớn để tìm hiểu cơ hội. Các doanh nghiệp trong nước đa phần quy mô nhỏ và vừa, dẫn đến thiếu việc năng lực cạnh tranh, nguồn vốn đáp ứng yêu cầu về sử dụng năng lượng sạch vào sản xuất, kéo theo vấn đề khó cạnh tranh trong thời gian tới với các mặt hàng xuất khẩu vào thị trường nước ngoài. Về chính sách hỗ trợ, còn thiếu nguồn vốn xanh với lãi suất ưu đãi vào lĩnh vực đầu tư nhà máy NLTT cũng như trong việc sử dụng NLTT vào sản xuất của doanh nghiệp trong nước.
Thêm vào đó là mô hình DPPA vật lý còn nhiều ràng buộc về các quy định pháp lý, trong đó,quy định pháp luật về quy hoạch và đầu tư cho điện mặt trời mái nhà (trên mái nhà máy sản xuất) hay tua-bin điện gió (nằm trong khu công nghiệp) chưa cụ thể hoá sẽ dẫn đến khó khả thi để đầu tư.
Để giúp cơ chế DPPA sớm được áp dụng đại diện Công ty IPC Việt Nam kiến nghị các giải pháp sau:
Một là, Chính phủ cần tháo gỡ các rào cản về quy định pháp luật đầu tư và quy hoạch cho loại hình đầu tư DPPA vật lý dự án điện NLTT bao gồm (ĐMTMN, tua-bin gió nằm trong khu công nghiệp… có quy mô khác nhau).
Hai là, đơn giản hoá và rút gọn các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho các dự án DPPA được triển khai thuận lợi và nhanh chóng, đồng thời hoàn thiện các thủ tục và quy định kỹ thuật liên quan tới dự án DPPA.
Ba là, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia cơ chế DPPA, cùng với sự tham gia của các ngân hàng nhằm cung cấp nguồn tín dụng xanh, ưu đãi trong đầu tư nhà máy NLTT và việc chuyển đổi năng lượng của các nhà máy sản xuất.
Bốn là, sớm ban hành Thông tư hướng dẫn việc thực hiện cơ chế DPPA theo Nghị định 80 (Bao gồm hướng dẫn việc chấm dứt các Hợp đồng mua bán điện hiện hữu giữa Đơn vị phát điện NLTT với EVN).
Đồng quan điểm trên, đại diện Tập đoàn SP Group cũng kiến nghị cần đẩy mạnh việc hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh, trong đó giá điện linh hoạt theo yếu tố đầu vào của thị trường là yếu tố quyết định.
Mặt khác cần hoàn thiện các quy định pháp lý, kỹ thuật về DPPA. Trong đó khẩn trương ban hành các hướng dẫn thực hiện cơ chế DPPA, kết hợp mô hình DPPA và “tự sản xuất, tự tiêu thụ”, thúc đẩy sự hợp tác của các bên tham gia DPPA.
Bên cạnh đó một số chuyên gia năng lượng cũng đề xuất, cần nêu cao vai trò của pin lưu trữ trong phát triển NLTT, cần làm rõ việc có cho phép, hoặc bắt buộc tích hợp pin tích trữ trong đơn vị phát điện NLTT hay không để tạo thuận lợi cho các quyết định đầu tư, cũng như các bên tham gia DPPA gồm đơn vị phát điện NLTT và khách hàng sử dụng điện lớn.