Bắc Ninh: Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN – “phát triển bền vững cho miền đất hứa”
Tỉnh Bắc Ninh là một tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước khoảng 822,71 km2, với vị trí nằm trong vùng thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, thuộc vùng đồng bằng Sông Hồng.
Thời điểm khi tái lập tỉnh năm 1997, Bắc Ninh là một tỉnh thuần nông có cơ cấu nông nghiệp chiếm 45,1%, dịch vụ 31,1%, công nghiệp – xây dựng 23,8%, kết cấu hạ tầng yếu kém, công nghiệp chỉ có các cơ sở sản xuất nhỏ.
Điểm sáng thu hút đầu tư FDI
Hiện nay với môi trường đầu tư thông thoáng, cơ sở hạ tầng hiện đại, nguồn lao động dồi dào, Bắc Ninh đã và đang khẳng định được vị thế là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn đầu tư FDI đăng ký tại Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt gần 25 tỷ USD, trong đó hơn 18% (khoảng 4,3 tỷ USD) đổ về Bắc Ninh dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Ngay tại hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Ninh tổ chức chiều 22/9/2024, tỉnh Bắc Ninh đã trao Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Biên bản ghi nhớ cho 18 dự án lớn với tổng vốn đầu tư hơn 5,6 tỷ USD.
Trong đó nổi bật là các dự án như: Dự án sản xuất màn hình và linh kiện điện tử của Samsung Display với số vốn 1,8 tỷ USD; Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Amkor Technology với số vốn gần 1,1 tỷ USD; Dự án Khu đô thị sinh thái Hồng Hạc - Xuân Lâm với số vốn hơn 1 tỷ USD; Dự án Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện của Công ty Goertek Vina với tổng vốn đầu tư 410 triệu USD…
Năm 2024, Bắc Ninh quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng GRDP đạt 5-6%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 75,83 triệu USD, tăng 3% so với năm 2023; tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn 70.000 tỷ đồng, tăng 6,5%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý đạt 100%; tỷ lệ lao động qua đào tạo 79%...
Nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN – thách thức trong điểm sáng
Khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” được đưa ra chính thức tại Đại hội IX của Đảng (tháng 4-2001) với khẳng định: Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là đường lối chiến lược nhất quán, là mô hình kinh tế tổng quát trong suốt thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Trong bài viết của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam khẳng định: kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển.
Tại Bắc Ninh nói riêng và trên cả nước nói chung, nhập khẩu tư bản (FDI) là một yếu tố quan trọng giúp phát triển kinh tế địa phương. FDI không chỉ mang lại vốn đầu tư mà còn giúp cải thiện công nghệ, tạo việc làm, và thúc đẩy thương mại quốc tế.
Tuy nhiên, việc nhập khẩu tư bản (FDI) cũng có nhiều điểm thách thức như tính phụ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế và chính trị; có thể gây hại cho môi trường nếu không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường; rủi ro kinh tế khi các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn…
Lựa chọn đúng hướng đi và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao
Trong điều kiện thực tế tại địa phương, Tỉnh Bắc Ninh đưa ra các tiêu chí phù hợp “3 cao, 2 ít” để thu hút đầu tư, tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, thu hút các dự án có công nghệ cao, tăng hàm lượng khoa học, suất đầu tư lớn, giảm định mức về sử dụng đất, tài nguyên, năng lượng, lao động, hiệu quả cao, thân thiện với môi trường.
Song song với việc phát triển kinh tế chủ yếu qua thu hút vốn đầu tư FDI, tỉnh Bắc Ninh luôn chú trọng đến công tác an sinh xã hôi, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường… Bắc Ninh là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về chính sách an sinh, phúc lợi xã hội. Nổi bật là chính sách hỗ trợ người cao tuổi từ đủ 65 tuổi trở lên; hỗ trợ điện chiếu sáng cho thôn, khu phố; mở rộng đối tượng thụ hưởng chương trình Sữa học đường đến khối lớp 1 và lớp 2... góp phần nâng cao đời sống của người dân, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, phấn đấu mục tiêu đến năm 2025 không còn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.
Chất lượng giáo dục đào tạo nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là ưu tiên hàng đầu của tỉnh Bắc Ninh. Sau 10 năm thực hiện Đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT theo Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI, sự nghiệp GD-ĐT của tỉnh tiếp tục phát triển vượt bậc cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng toàn diện. Về tổng thể, các chỉ tiêu giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên của Bắc Ninh đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra; Bắc Ninh được Bộ GD-ĐT đánh giá là 1 trong những tỉnh dẫn đầu toàn quốc về phong trào và chất lượng giáo dục.
Công tác bảo vệ môi trường đang là vấn đề nổi cộm tại tỉnh Bắc Ninh trong thời gian qua. Đề án tổng thể bảo vệ môi trường của tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2019-2025, tiếp tục thực hiện đến năm 2030, khẳng định quyết tâm chính trị của tỉnh về làm sạch môi trường, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, Bắc Ninh phấn đấu 100% người dân được sử dụng nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung và duy trì trong những năm tiếp theo; 100% chất thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, chất thải y tế được thu gom và xử lý theo quy định; 100% chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị được thu gom, xử lý; 100% các khu, cụm công nghiệp và đô thị mới thành lập có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 90% các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường.
Bên cạnh đó, giải quyết dứt điểm các tụ điểm, khu vực ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong khu dân cư và cộng đồng, đặc biệt ở các làng nghề như làng nghề sản xuất giấy Phong Khê, làng nghề Văn Môn huyện Yên Phong, góp phần phát triển toàn diện, tổng thể, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là tiền đề để thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao, phát huy tính tự lực, tự cường, bằng trí tuệ, con người, văn hóa lịch sử và truyền thống hào hùng của đất, người Kinh Bắc, dựa vào công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, sản xuất thông minh, dịch vụ để bứt phá, phát huy tối đa nguồn lực bên trong và bên ngoài. Như lời nhắn nhủ của thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn đảng bộ, chính quyền, quân và dân, doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh nỗ lực, phấn đấu “khai phá tiềm năng, khẳng định chính mình, kiên định mục tiêu, kiến tạo thịnh vượng” để “Bắc Ninh văn hiến, hội tụ tinh hoa, đoàn kết kiên cường, phồn vinh hạnh phúc”.