Pháp luật

Khoáng sản tại Nghệ An – Bài 2: Ngăn ngừa vi phạm, cần siết từ “gốc”

Hồng Quang 01/11/2024 11:02

Việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên lĩnh vực khoáng sản đã phần nào thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền tỉnh Nghệ An…

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, như vậy đã đủ sức răn đe? Và, nếu như trước đó các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền liên quan nâng cao vai trò quản lý, giám sát hơn nữa thì đâu thể xảy ra những vi phạm kéo dài…?!

Ảnh 11
Một số địa phương cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn chưa thật sự quan tâm sâu sát tới công tác bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản.

Sớm tháo gỡ những “nút thắt”

Liên quan đến vấn đề này, đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Nghệ An từng thông tin với báo chí rằng, qua thực tế quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh dù đã dần đi vào nền nếp nhưng vẫn còn đó một số tồn tại, vướng mắc cần phải có giải pháp tháo gỡ. Cụ thể là Luật khoáng sản năm 2010 và các Nghị định về khoáng sản qua quá trình thực hiện đã phát sinh những vấn đề bất cập trong các quy định hiện hành; khó khăn, vướng mắc liên quan đến trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn, một số loại khoáng sản có giá trị phân bố rộng khắp, xen kẽ cả ở vùng sâu vùng xa, địa hình phân cắt, cả vùng ven sông ven biển, đội ngũ cán bộ tham mưu thực hiện công tác quản lý khoáng sản còn bất cập về số lượng, gây khó khăn cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

Một bộ phận dân cư vùng sâu, vùng xa thường sống bằng nghề đào đãi khoáng sản như quặng vàng, quặng thiếc. Trong khi đó, tại một số vùng sông nước, dân cư sống bằng nghề khai thác cát qua nhiều thế hệ, lấy khai thác cát, sỏi làm nghề sinh sống hàng ngày. Do vậy, để xử lý dứt điểm việc khai thác khoáng sản trái phép phải gắn với việc chuyển đổi nghề nghiệp, nơi ở của các hộ gia đình, điều này là vấn đề lớn đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

dji_0352.jpg
Các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã và đang nỗ lực tháo gỡ những khó khăn, bất cập nhằm đưa hoạt động khai thác khoáng sản đi vào nề nếp, ổn định và hiệu quả.

Đáng chú ý hơn cả, đó là có một số chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã chưa thật sự quan tâm tới công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa cấp phép, còn có hiện tượng né tránh trong việc xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn xảy ra ở một số khu vực.

Một số tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận hoặc không đủ năng lực sản xuất, không đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để khai thác khoáng sản; khai thác khoáng sản chạy theo lợi nhuận mà không chú ý công tác an toàn; một số đã bất chấp pháp luật để tiến hành khai thác khoáng sản trái phép…

Những “nút thắt” vừa nêu trên có thể lý giải phần nào nguyên nhân dẫn đến những sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Nhưng qua đó cũng cho thấy, nếu như công tác quản lý, kiểm tra, giám sát không được thực hiện triệt để ngay từ cơ sở thì vẫn có thể tiếp diễn các hành vi vi phạm tương tự.

Do vậy, để đưa hoạt động khai thác khoáng sản đi vào quy củ, nề nếp, đúng quy định thì các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền liên quan đóng vai trò rất quan trọng trong việc đưa ra các giải pháp phòng ngừa vi phạm một cách cụ thể, thiết thực và hiệu quả hơn nữa.

Quản lý chặt từ “gốc”

Trong một diễn biến khác, liên quan đến công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn, mới đây UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành văn bản giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan có liên quan khẩn trương rà soát, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

dji_0784.jpg
Nghệ An chỉ đạo tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Trong đó, cần tập trung tuyên truyền, nâng cao hiểu biết, nhận thức pháp luật của doanh nghiệp trong lĩnh vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Đặc biệt, tại các cuộc đấu giá cần phổ biến đầy đủ các quy định có liên quan cho tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá để tránh hiểu sai cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản là đấu giá mua mỏ.

Đồng thời, cần thông tin rõ cho tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá hiểu được tiền trúng đấu giá chỉ là một phần nghĩa vụ của doanh nghiệp phải nộp cho ngân sách nhà nước để được quyền khai thác khoáng sản, để khoáng sản đến được tay người sử dụng thì tổ chức, cá nhân khai thác phải đầu tư thực hiện dự án khai thác với nhiều khoản chi phí như khai thác, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ và còn phải thực hiện các khoản thuế, phí khác như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường...

Bên cạnh đó, xây dựng phương án đấu giá phù hợp với đặc thù của đối tượng đấu giá là quyền khai thác khoáng sản, trong đó lưu ý lựa chọn hình thức đấu giá phù hợp. Thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo đúng quy định của Luật Đấu giá tài sản. Chú trọng khâu lập hồ sơ mời tham gia đấu giá, xét chọn hồ sơ tham gia đấu giá chặt chẽ. Chỉ lựa chọn những doanh nghiệp có đủ năng lực, kinh nghiệm, có hồ sơ đầy đủ với các thông tin trung thực, rõ ràng để tham gia cuộc đấu giá.

Mặt khác, các địa phương, đơn vị chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra các cuộc đấu giá có dấu hiệu bất thường, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên, tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá có các hành vi vi phạm làm ảnh hưởng đến kết quả đấu giá.

Hồng Quang