Phân tích - Bình luận

FED giảm lãi suất, kích hoạt dòng vốn mới vào Việt Nam

Trường Đặng thực hiện 03/11/2024 11:03

Bỏ lại đằng sau thời kỳ thắt chặt tiền tệ, FED lên kế hoạch cắt giảm lãi suất liên tục có thể sẽ kích hoạt dòng vốn đầu tư mới vào Việt Nam.

Vivie Wei
Vivie Wei

Doanh Nhân đã có cuộc trao đổi với bà Vivie Wei, Giám đốc quốc gia Việt Nam của Công ty Tư vấn Dezan Shira & Associates, về tiềm năng đón nhận nguồn vốn quốc tế mới của Việt Nam và những lĩnh vực trọng điểm để thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới.

- Theo bà, FED sẽ thực hiện chính sách cắt giảm lãi suất như thế nào sau cuộc họp tháng 9?

Lãi suất cho vay chuẩn của FED đã dao động ở mức 5,25-5,5% kể từ tháng 7/2023 tới cuộc họp tháng 9 nhằm ứng phó với lạm phát gia tăng ở Mỹ. Một số chuyên gia đã ghi nhận sự kiên trì của FED với mức lãi suất cao này khi giúp lạm phát hiện tại của Mỹ giảm đáng kể từ đỉnh 7% vào giữa năm 2022.

Tuy nhiên, Mỹ cũng chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp tăng từ mức 3,5% lên mức 4,1% gần đây, khi FED ngừng tăng lãi suất. Cùng với sự suy giảm tăng trưởng việc làm hàng tháng của Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp cao sẽ đặt ra nguy cơ đối với khả năng chi tiêu vốn là động lực quan trọng của nền kinh tế Mỹ.

Bởi vậy, đây là thời điểm các nhà hoạch định chính sách của FED bắt đầu chuyển hướng chính sách tiền tệ sang hỗ trợ việc làm và thị trường lao động. Mục tiêu của FED là “hạ cánh mềm” nền kinh tế sau một thời gian dài áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt.

Theo tôi, FED vẫn sẵn sàng giảm lãi suất thêm nếu xu hướng suy yếu của thị trường lao động Mỹ tiếp tục duy trì.

- Các thị trường mới nổi ở Đông Nam Á, như Việt Nam, có thể kỳ vọng gì từ dòng vốn quốc tế được kích hoạt khi lãi suất rẻ hơn ở Mỹ, thưa bà?

Lãi suất đồng USD cao khiến dòng vốn đầu tư tập trung nhiều hơn vào thị trường Mỹ. Bởi vậy, việc hạ lãi suất của FED sẽ khuyến khích các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao hơn và tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn ở những thị trường khác. Nhờ đó, các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam có thể được hưởng lợi từ việc tăng cường dòng vốn quốc tế.

fdi2.jpg

Theo lịch sử, chu kỳ nới lỏng tiền tệ của Mỹ thường thúc đẩy việc phát hành Eurobond, một công cụ nợ quốc tế do các quốc gia phát hành bằng ngoại tệ, và hồi sinh dòng vốn vào các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Việc cắt giảm lãi suất của FED cũng có thể báo hiệu sự gia tăng sức mua tại Mỹ và các nước phát triển khác, làm triển vọng xuất khẩu của Việt Nam tươi sáng hơn.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra thận trọng về mức độ tác động của việc FED cắt giảm lãi suất đối với quy mô đầu tư vào các nước đang phát triển. Một số người cho rằng hiệu quả đáng kể chỉ xảy ra khi việc cắt giảm lãi suất thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế đáng kể của Mỹ.

- Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng trên toàn cầu, bao gồm cả ở Mỹ và phương Tây, liệu điều này có hạn chế dòng vốn đầu tư từ các thị trường phát triển sang các khu vực khác như ASEAN, thưa bà?

Trong một bài viết vào năm ngoái, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng các biện pháp bảo hộ được thực hiện trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã dẫn đến việc tái bố trí sản xuất trên toàn cầu, mở rộng cơ hội kinh doanh và đầu tư cho nhiều quốc gia khác.

Đồng thời, các chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về sự mất mát tiềm ẩn từ việc chia tách thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, điều có thể chia thị trường toàn cầu thành các khối kinh tế. Những tác động này thể hiện rõ sự tương tác phức tạp giữa các chính sách bảo hộ, mô hình thương mại và các yếu tố đặc thù của quốc gia, quyết định cách mỗi nền kinh tế bị ảnh hưởng.

Ở Việt Nam, một hệ quả tiềm tàng khi Mỹ ngày càng bảo hộ là Việt Nam có thể tìm cách thắt chặt hơn nữa quan hệ thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, triển vọng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ tại Mỹ cần được theo dõi thêm, nhất là khi cuộc đua bầu cử Tổng thống Mỹ vẫn đang diễn ra.

Cổ phiếu ở các nền kinh tế đang phát triển đang đối mặt với rủi ro nghiêm trọng trước cuộc bầu cử Mỹ, điều này có ý nghĩa rất lớn đối với các chính sách thương mại của Mỹ trong tương lai khi cả hai đảng dự kiến sẽ có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc.

- Theo bà, Việt Nam cần chuẩn bị những gì để đón nhận dòng vốn này?

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để tạo môi trường thân thiện cho FDI. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều không gian để cải thiện thêm. Tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam nên thực hiện một số hành động sau.

Trước hết, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trở nên liền mạch, minh bạch hơn và giảm thời gian thực hiện. Đặc biệt, cần loại bỏ các chi phí tuân thủ không cần thiết để giảm bớt gánh nặng tài chính khi kinh doanh ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam nên tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng năng lượng, số hóa và giao thông để ngăn chặn tình trạng thiếu điện, thúc đẩy phát triển của logistics, thương mại và chuỗi cung ứng. Việt Nam cũng cần có kế hoạch thành lập các khu công nghiệp chuyên biệt trong tương lai, khu công nghệ cao và khu công nghiệp sinh thái.

Ngoài ra, thực hiện các chương trình đào tạo và giáo dục để nâng cao chất lượng lao động cũng là một chiến lược cần thiết để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Song hành với đó là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, vốn đang có dấu hiệu chậm lại, thông qua cải cách hành chính triệt để hơn.

- Trân trọng cám ơn bà!

Trường Đặng thực hiện