Nghiên cứu - Trao đổi

Còn băn khoăn về thuế giá trị gia tăng cho dịch vụ khoa học và công nghệ

Yến Nhung 01/11/2024 04:00

Nhiều ý kiến đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng quy định về thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho dịch vụ khoa học và công nghệ để phù hợp với thực tiễn.

Theo đó, đa số ý kiến các đại biểu, chuyên gia bày tỏ thống nhất cao với các nội dung Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi (Dự thảo) được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 này. Các quy định mới được sửa đổi, bổ sung cơ bản giải quyết được các bất cập trong thực tiễn, phù hợp với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và xu hướng cải cách thuế của quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần rà soát kỹ lưỡng để các quy định phải đảm bảo chi tiết, đầy đủ, chặt chẽ và phù hợp với thực tiễn.

Luật Khoa học và Công nghệ 2013 cần được nghiên cứu, sửa đổi toàn diện để thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Ảnh minh họa: ITN
Đa số ý kiến các đại biểu, chuyên gia bày tỏ thống nhất cao với các nội dung Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi lần này - Ảnh minh họa: ITN

Cụ thể, về mức thuế suất 5% áp dụng đối với dịch vụ khoa học, công nghệ theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ (điểm m, khoản 2, Điều 9), ông Nguyễn Duy Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng cho rằng, việc áp dụng mức thuế suất 5% đối với dịch vụ này tại Việt Nam có thể mang lại một số lợi ích ngắn hạn về thu ngân sách và quản lý minh bạch hơn. Hơn nữa, việc áp dụng thuế suất thay vì miễn thuế hoàn toàn có thể giúp quản lý và giám sát các hoạt động khoa học và công nghệ tốt hơn. Điều này có thể giảm thiểu rủi ro lạm dụng chính sách miễn thuế.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Quốc hội và Ban soạn thảo xem xét các khía cạnh để cho phép dịch vụ khoa học, công nghệ thuộc đối tượng không nộp thuế GTGT, đó là miễn thuế GTGT cho các dịch vụ khoa học và công nghệ sẽ khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), đặc biệt từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

“Việc giảm chi phí đầu tư sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, viện nghiên cứu và các tổ chức công nghệ phát triển, từ đó thúc đẩy nền kinh tế tri thức. Bên cạnh đó, miễn thuế GTGT sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và tổ chức tập trung vào nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, từ đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Điều này rất quan trọng để Việt Nam có thể cạnh tranh trên trường quốc tế và xây dựng một nền kinh tế dựa trên tri thức”, ông Nguyễn Duy Minh bày tỏ.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Duy Minh cho rằng, cần thể chế hóa những chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ trong 5 năm gần đây, nhất là Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; bài viết “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới” của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Với những phân tích trên, đại biểu đề nghị xem xét đưa nhóm dịch vụ khoa học, công nghệ thuộc đối tượng được miễn thuế GTGT lần này nhằm bảo đảm thực thi tốt nhất các chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước và không trái với thông lệ quốc tế.

Các chuyên gia kỳ vọng, Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi sẽ tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, tạo điều kiện phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo - Ảnh minh họa: ITN
Tuy nhiên, cần rà soát kỹ lưỡng quy định về thuế GTGT cho dịch vụ khoa học và công nghệ để phù hợp với thực tiễn - Ảnh minh họa: ITN

Cũng góp ý về chính sách thuế GTGT đối với hoạt động khoa học công nghệ, PGS-TS Đặng Văn Thanh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội (khóa XI) cho biết, Điều 10 Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, quy định "Đơn vị sự nghiệp có các hoạt động dịch vụ phải đăng ký, kê khai, nộp đủ các loại thuế và các khoản khác (nếu có), được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật”.

Điểm 2.15, Mục II, Phần B Thông tư 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế GTGT và hướng dẫn thi hành Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế GTGT thì “Dịch vụ khoa học và công nghệ là các hoạt động phục vụ việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ” thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%. Như vậy, các đơn vị sự nghiệp có phát sinh các dịch vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ thì các dịch vụ này sẽ chịu thuế với suất thuế GTGT là 5%.

Mặt khác, khoản 21, Mục II, Phần A Thông tư số 129/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính lại quy định dịch vụ “chuyển giao công nghệ” (theo Luật Chuyển giao công nghệ) thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Như vậy, có 2 loại hình chịu điều tiết về thuế GTGT khác nhau. Có thể thấy, xét về mặt quy trình thì mảng dịch vụ “nghiên cứu và phát triển khoa học” đứng vai trò khâu trước, “đầu tầu” hơn, thế nhưng lại là đối tượng chịu thuế GTGT, trong khi việc “chuyển giao công nghệ” chỉ là khâu sau thì không chịu thuế. Qua thực tiễn quản lý thuế, đã có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này.

“Vì vậy, nếu có thể, nên quy định điều tiết thuế GTGT thống nhất cho 2 loại dịch vụ này, có như vậy vừa đảm bảo tính logic về điều tiết thuế nói chung, vừa tránh việc so sánh về sự thiếu công bằng”, PGS-TS Đặng Văn Thanh nhấn mạnh.

Yến Nhung