Dự thảo Luật PCCC và CNCH: Cần điều chỉnh, bổ sung các nội dung cho phù hợp
Trong bối cảnh nguy cơ cháy nổ luôn hiện hữu, góp ý Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhiều ý kiến đề xuất, cần điều chỉnh, bổ sung các nội dung cho phù hợp.
Theo đó, Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, dự kiến sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Dự thảo gồm 9 Chương, 65 Điều, trong đó bổ sung nhiều điểm mới, khắc phục những hạn chế, bất cấp của Luật hiện hành.
Chia sẻ về Dự thảo Luật này, đại diện Bộ Công an cho biết, việc xây dựng và ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan và khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH).
Các quy định trong Dự thảo Luật đã khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập, thiếu sót của pháp luật hiện hành như quy định về bồi thường tài sản tham gia chữa cháy; về quy định xây dựng, phê duyệt phương án chữa cháy, phương án CNCH; về xây dựng, bố trí lực lượng PCCC và CNCH; về quy định trang bị phương tiện PCCC đối với các loại hình cơ sở, phương tiện giao thông; về bảo đảm điều kiện hoạt động PCCC, CNCH; về các quy định về điều kiện an toàn PCCC đối với các công trình đặc thù; về áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; về tổ chức, hoạt động của lực lượng dân phòng,…
Bên cạnh đó, vị đại diện này cũng cho hay, Dự thảo Luật đã bổ sung chính sách của Nhà nước về PCCC, CNCH như: Huy động, sử dụng các nguồn lực cho hoạt động PCCC, CNCH; đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về PCCC, CNCH và truyền tin báo cháy; tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC và CNCH cho toàn dân; đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm nguồn nhân lực; bố trí phù hợp lực lượng PCCC và CNCH bám sát các địa bàn, cơ sở;…
Bổ sung quy định về CNCH; trách nhiệm CNCH; trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về CNCH; trách nhiệm tổ chức huấn luyện nghiệp vụ về PCCC, CNCH. Bổ sung hành vi nghiêm cấm như làm mất tác dụng của đường thoát nạn, ngăn cháy lan; xây dựng công trình, chế tạo, hoán cải phương tiện giao thông cơ giới thuộc diện phải thẩm định thiết kế về PCCC khi chưa có văn bản thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; đưa công trình, hạng mục công trình, phương tiện giao thông cơ giới thuộc diện phải thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy…
Bổ sung điều kiện cơ bản bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở và nhà ở kết hợp kinh doanh; trách nhiệm trong việc bảo đảm điều kiện an toàn khi sử dụng điện của các tổ chức, cá nhân đối với quản lý, kiểm tra việc lắp đặt, sử dụng điện an toàn tại cơ sở, hộ gia đình… cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực PCCC và CNCH.
Đánh giá cao những nội dung được cơ quan soạn thảo đề xuất trong quá trình xây dựng luật, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần cân nhắc đến việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các nội dung cho phù hợp.
Quan tâm đến quy định phòng cháy đối với nhà ở kết hợp với kinh doanh, nhiều ý kiến đề nghị, cần lưu ý quy định phòng cháy đối với nhà ở, nhà ở kết hợp với kinh doanh, ngoài phương tiện giao thông, cơ sở, lắp đặt, sử dụng điện… nên có quy định trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, thi hành công tác PCCC.
Thực tế, vụ án cháy quán karaoke An Phú ở Bình Dương xảy ra vào tháng 9/2022 đã cho thấy thêm nhiều lỗ hổng lớn, không phải từ quy định của pháp luật, mà chính từ người thực thi công vụ. Cùng với chủ quán, còn có các bị cáo là 4 cựu cán bộ phòng PCCC và CNCH, bị án tù vì tội “vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”, tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tương tự, vụ cháy chung cư mini làm 56 người chết tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, tháng 01/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội cũng đã khởi tố 6 người do thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trong số này có thanh tra xây dựng, cán bộ và công an phường Khương Đình.
Từ đó có thể thấy, nếu như những cán bộ được giao nhiệm vụ về kiểm tra PCCC làm đúng trách nhiệm, sẽ ngăn chặn được các nguy cơ cháy nổ, không để xảy ra những hậu quả nghiêm trọng.
Cùng với vấn đề đã nêu, góp ý Dự thảo Luật, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cùng với công tác quản lý, thì để nâng cao ý thức việc đảm bảo công tác PCCC cũng nên xem xét bổ sung các chế tài đủ sức nặng, tránh việc vì lợi nhuận mà cố tình vi phạm.
Được biết, liên quan đến Dự thảo Luật này, sáng nay 01/11, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội – Lê Tấn Tới sẽ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, các đại biểu sẽ tham gia thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau.