Logistics - "chìa khóa" giải bài toán cạnh tranh hàng giá rẻ Trung Quốc
Trong chiến lược cạnh tranh, cần vai trò Nhà nước vừa điều tiết thị trường, vừa hỗ trợ, tạo điều kiện rất lớn cho các doanh nghiệp tiến ra thị trường nước ngoài.
Quan trọng nhất, ngay từ đầu đã xây dựng chiến lược phát triển các ngành nói chung, trong đó có ngành logistics.
Cần xây dựng trung tâm logistics
Trước vấn đề được đặt ra về hiện tượng đổ bộ của sàn thương mại điện tử Temu, Shein, Taobao… nói riêng và các mặt hàng được nhập vào Việt Nam, đặc biệt là từ Trung Quốc nói chung được vận chuyển với tốc độ nhanh không tưởng, giá “rẻ như cho” tại Việt Nam thời gian gần đây - một câu hỏi rất lớn của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, người tiêu dùng rằng “Tại sao Trung Quốc lại làm được như vậy?”, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, nhận định trước hết Trung Quốc đã xây dựng chiến lược phát triển các ngành nói chung, trong đó có ngành logistics rất tốt. Và xét ở khâu triển khai, quốc gia này cũng đang thực hiện khá hiệu quả.
Trong đó, có thể thấy vai trò rất lớn từ sự hỗ trợ của Nhà nước Trung Quốc, vừa điều tiết thị trường, vừa hỗ trợ, tạo điều kiện rất lớn cho các doanh nghiệp tiến ra thị trường nước ngoài.
Theo ông Hải, “Đây là sự khác biệt tạo nên sức cạnh tranh của doanh nghiệp Trung Quốc đối với các ngành nói chung và logistics nói riêng. Qua một quá trình, các doanh nghiệp này đã tích luỹ và trở thành doanh nghiệp lớn, toàn cầu và cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường thế giới. Vì vậy, khi đổ bộ vào thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp này có rất nhiều lợi thế, đã và đang khai thác thị trường rất tốt”.
Trong bối cảnh hiện nay, lượng hàng người tiêu dùng Việt Nam đặt hàng qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, đặc biệt là từ Trung Quốc đều là những sản phẩm Việt Nam có thể sản xuất. Tuy nhiên, hàng nhập về Việt Nam có giá rẻ hơn rất nhiều nhờ chi phí logistics thấp. Như vậy, câu chuyện làm thế nào để doanh nghiệp Việt thu hẹp khoảng cách này được đặt lên hàng đầu, bởi nếu không làm được, sớm thì muộn, các ngành sản xuất trong nước sẽ khó tồn tại được nữa.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, các trung tâm logistics là một phần quan trọng trong kết cấu hạ tầng logistics nói chung, đóng vai trò kết nối với các hạ tầng giao thông như cảng biển, sân bay, đường cao tốc, đường sắt… Tuy nhiên, sự phát triển của các trung tâm logistics trong thời gian qua ở Việt Nam còn khá manh manh mún và tự phát.
“Các trung tâm logistics hiện nay đang chủ yếu phục vụ cho thị trường trong nước là chính với hạ tầng khá đơn giản. Chúng ta vẫn thiếu các trung tâm quy mô lớn, chuyên ngành, chuyên dụng, hoạt động hiện đại, có tác động đến thị trường và có sự liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp logistics với nhau như trung tâm logistics nông sản lớn, kho lạnh lớn… phục vụ việc lưu trữ, phân phối hàng hoá để đưa đến các hệ thống siêu thị, bán lẻ. Đồng thời, góp phần tạo nên giá trị gia tăng cho hàng hoá xuất khẩu.
“Doanh nghiệp nội địa chưa đủ sức và gần đây, chúng tôi nhìn thấy một số mô hình mới của các nhà đầu tư nước ngoài, giúp cho các trung tâm logistics tại Việt Nam được hiện đại hoá. Vì vậy, chúng tôi mong muốn trong thời gian tới sẽ có các trung tâm logistics quy mô lớn, hiện đại, nhiều chức năng, qua đó doanh nghiệp Việt sẽ tăng khả năng học hỏi, vận dụng”, ông Hải nói.
Ông cũng khẳng định, khu thương mại tự do sẽ là một trong những giải pháp trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy ngành logistics phát triển.
Thông qua việc có các trung tâm thương mại, hội chợ lớn, ngoài cho phép doanh nghiệp sản xuất được thiết lập cơ sở, đưa hàng hoá vào và chưa chịu sự kiểm soát của thuế quan, quản lý hành chính khác… thì khu thương mại tự do còn cho phép thiết lập cở sở, dịch vụ, trong đó có dịch vụ logistics như chia tách, đóng gói, thực hiện các dịch vụ giá trị gia tăng…
Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, “Đây là điểm tạo ra sức hút, bởi việc cho phép hình thành khu thương mại tự do sẽ góp phần đưa hàng hoá của các nước trung chuyển đến Việt Nam và sử dụng dịch vụ logistics của chúng ta. Hiện nhiều địa phương đã có sự quan tâm và mong muốn được triển khai khu thương mại tự do. Chính phủ đã cho phép Đà Nẵng thí điểm, sắp tới đây Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có những đề xuất tương tự”.
Đối với các địa phương có hạ tầng tốt, luồng hàng hóa giao thương mạnh như Đồng Nai với Sân bay Long Thành đang xây dựng, cửa khẩu biên giới như Lạng Sơn, Lào Cai, Tây Ninh… cũng là những lợi thế rất tốt để chúng ta triển khai khu thương mại tự do trong thời gian tới.
Chiến lược tiếp cận đa phương thức
Trả lời câu hỏi cần làm gì để nâng cao năng lực và phát huy lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong việc phát triển logistics, Tiến sĩ Yap Kwong Weng, CEO, Việt Nam SuperPort™ cũng chia sẻ tại hội nghị, rằng chúng ta cần có một chiến lược tiếp cận và phát triển logistics theo cách đa phương thức, từ phát triển vận tải đường bộ, đường hàng không cũng như cảng biển để kết nối với các khu vực với nhau.
"Việt Nam được coi là điểm kết nối trung tâm của khu vực. Để giảm thiểu những rủi ro về chính sách, chúng tôi nghĩ cần phải có tầm nhìn dài hạn 50 năm chứ không phải 10 hay 15 năm. Phải đẩy mạnh sự hợp tác công -tư trong lĩnh logistics, cùng nhau chúng ta sẽ có lợi thế cạnh tranh cao hơn”, theo CEO, Việt Nam SuperPort.
Đây chính là bài học mà không đâu xa, từ Trung Quốc, đã minh chứng rất rõ ràng về năng lực ngành logistics. Năm 2000 Trung Quốc bắt đầu cất cánh thông qua kết nối toàn cầu, họ tăng cường kết nối đường thủy và đường bộ, hàng không…. Đây là một chiến lược tổng thể của họ. Trung Quốc cũng tăng tốc huy động nguồn lực cả từ tư nhân và nhà nước vào phát triển logistics, đặc biệt họ đầu tư rất mạnh vào công nghệ. Không chỉ công ty nhà nước mà cả công ty tư nhân đều rất chú ý đầu tư vào phần cứng, phần mềm và họ đã có những công ty công nghệ hàng tỷ đôla. Trong bối cảnh ngày nay, logistics Việt Nam cần bứt phá trước sự chuyển mình của thế giới. Nghiên cứu cho thấy nếu hoạt động thương mại tiếp tục phát triển theo xu hướng hiện tại, cần khoảng 60 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở ASEAN để có thể đáp ứng sự tăng trưởng thương mại.
Theo Tiến sỹ Yap Kwong Weng, Việt Nam đã bắt đầu trở thành trung tâm về sản xuất và thương mại của khu vực không chỉ vì vị trí mà còn vì tiềm năng. Chính vì thế chúng ta cần nắm bắt khi cơ hội đang ở đây. Việt Nam đang tăng trưởng khá xứng đáng với tiềm năng. Và Việt Nam cần hạ tầng logistics nhiều hơn.
"Việt Nam có đủ tiềm năng trở thành trung tâm logistics của khu vực và thế giới. Chỉ cần tạo dựng được môi trường, chúng ta có thể biến giấc mơ trở thành hiện thực", thực tế đã được Chính phủ định hướng chiến lược lớn trong phát triển hệ thống cảng biển, hạ tầng logistics… của quốc gia. "Với lợi thế nằm ở trung tâm khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trên tuyến hàng hải quốc tế, Việt Nam có đủ tiềm năng trở thành trung tâm trung chuyển lớn của khu vực và thế giới", Hiệp hội Logistics Việt Nam nhận định.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo quy hoạch, TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. TP cho biết đang và sẽ xây dựng 8 trung tâm logistics với tổng diện tích hơn 750 ha, bao gồm: Cát Lái – Phú Hữu - TP. Thủ Đức (diện tích 292 ha); Long Bình - TP. Thủ Đức (diện tích 54 ha); Linh Trung - TP. Thủ Đức (diện tích 74 ha); Củ Chi - huyện Củ Chi (diện tích 15 ha); Tân Kiên - huyện Bình Chánh (diện tích 60 ha); Hiệp Phước - huyện Nhà Bè (diện tích 100 ha); xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn (diện tích 150 ha). Ngoài ra, các dự án có chức năng “tương tự trung tâm logistics” như kho lạnh ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, kho thương mại điện tử ở Củ Chi… cũng được doanh nghiệp triển khai.