Kinh tế địa phương

Tây Ninh: Đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông kết nối vùng

Phương Anh 31/08/2024 09:24

Tỉnh Tây Ninh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông, nhất là các dự án giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ.

Phát triển hạ tầng giao thông được xác định là một trong 4 chương trình đột phá của Tây Ninh tại Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025.

Tây Ninh sẽ ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh.
Tây Ninh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, Dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông, nhất là các Dự án giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ.

Thực hiện nhiệm vụ này, tỉnh Tây Ninh đã và đang dành nhiều nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường huyết mạch, liên kết các vùng kinh tế trọng điểm của khu vực, quốc gia… tạo lợi thế mới trong thu hút đầu tư, mở ra không gian phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, tổng nguồn vốn của ngân sách tỉnh dành cho thi công trung hạn là 20.000 tỷ đồng nhưng tỉnh đã dành riêng cho giao thông là 6.000 tỷ đồng. Nếu tính tỷ trọng thì chiếm hơn 1/4 tổng vốn đầu tư phát triển trong giai đoạn trung hạn.

Tỉnh cũng tranh thủ các nguồn vốn Trung ương để đầu tư các dự án trên địa bàn, như: dự án đường tuần tra biên giới do Bộ Quốc phòng, Quân khu 7 làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư trong giai đoạn 1 vừa qua là khoảng hơn 1.500 tỷ; dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Châu Thành - Đức Hòa. Dự án này qua địa bàn Tây Ninh khoảng 20km với quy mô đầu tư khoảng 2.300 tỷ đồng...

Trong Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tỉnh đã đề ra phương án phát triển hạ tầng giao thông quốc gia, trong đó: Định hướng phát triển các tuyến quốc lộ, cao tốc, đường sắt, đường thuỷ: thực hiện theo các quy hoạch quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tập trung huy động nguồn lực đầu tư hoàn thành tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài và Gò Dầu - Xa Mát; thực hiện quy hoạch 1 cảng hàng không tiềm năng tại huyện Dương Minh Châu.

Về phương án phát triển hạ tầng giao thông cấp tỉnh trong quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng định hướng đối với đường bộ, thực hiện tăng cường kết nối hướng Đông - Tây với Bình Dương, Bình Phước, Long An và kết nối phía Nam với Thành phố Hồ Chí Minh, hình thành trục giao thông hàng hoá kết nối các khu công nghiệp nội tỉnh, các khu đô thị được quy hoạch, tách biệt với giao thông đô thị…

Tuyến đường DT.787B (xã Hưng Thuận, TX Trảng Bàng) thuộc dự án Đường liên tuyến kết nối vùng N8-787B-789 đang được thi công, mở rộng.
Tuyến đường DT.787B (TX Trảng Bàng) thuộc dự án Đường liên tuyến kết nối vùng N8-787B-789 đang được thi công, mở rộng.

Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tây Ninh, đối với Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Mộc Bài (giai đoạn 1) vừa được Thủ tướng phê duyệt có tổng chiều dài tuyến gần 51km. Trong đó, đoạn qua địa phận Thành phố Hồ Chí Minh dài 24,6km, đoạn qua tỉnh Tây Ninh dài 26,3km; quy mô 6 làn xe cao tốc.

Dự kiến dự án sẽ chính thức khởi công vào tháng 6/2025 sau khi hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2027. Theo đó, dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng giúp khai thác đồng bộ các tuyến đường vành đai có năng lực lớn, an toàn giao thông và tốc độ cao trên hành lang vận tải TP Hồ Chí Minh-Tây Ninh, phát triển chuỗi công nghiệp-đô thị Mộc Bài-TP Hồ Chí Minh-Cảng Cái Mép-Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của TP Hồ Chí Minh và Tây Ninh nói riêng, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ nói chung.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Gò Dầu-Xa Mát (giai đoạn 1, từ Gò Dầu đến thành phố Tây Ninh) là một trong những dự án trọng điểm mà Tây Ninh được Thủ tướng giao làm cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP).

UBND tỉnh Tây Ninh đã chấp thuận cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Tập đoàn Sun Group) lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và hồ sơ đề xuất đầu tư dự án đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát. Đến nay, Hội đồng thẩm định cấp cơ sở đã thẩm định báo cáo, đồng thời tham mưu UBND tỉnh có văn bản đề nghị nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ và nghiên cứu thêm phương án tài chính đầu tư.

Dự án đường liên tuyến kết nối vùng N8-ĐT.787B-ĐT.789 có tổng chiều dài 48,113km đang được triển khai. Dự án qua địa phận thị xã Trảng Bàng (42,113km) và huyện Dương Minh Châu 6km với tổng mức đầu tư là 3.416,23 tỷ đồng.

Tuyến đường được chia thành 3 dự án thành phần gồm: tuyến đường N8 (dài 9,188km) dự kiến hoàn thành năm 2026; tuyến đường ĐT.787B (dài 14,885km) dự kiến hoàn thành vào quý 4 năm nay và tuyến đường ĐT.789, (dài 24km) qua thị xã Trảng Bàng (18km), huyện Dương Minh Châu (6km) dự kiến hoàn thành năm 2025.

Riêng công trình Đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành-Đức Hòa, gói thầu xây lắp thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh đã khởi công vào ngày 28/12/2023, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Ngoài ra, các dự án, công trình khác đang thi công xây dựng, gồm: Dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT.795, đường ĐT.794 đoạn từ ngã ba Kà Tum đến cầu Sài Gòn (giai đoạn 2), đường Trường Hòa - Chà Là…

Theo Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, những dự án giao thông tỉnh đã và đang triển khai không chỉ giúp người dân tỉnh Tây Ninh đi lại thuận lợi hơn, mà còn giúp kết nối giao thông từ các tỉnh Đông Nam Bộ đến Tây Ninh, trung chuyển hàng hóa liên tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng của vùng Đông Nam bộ.

Ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết năm 2024, Tây Ninh xác định là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025). Theo đó, UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp, các ngành quyết tâm khắc phục khó khăn, chủ động đổi mới, sáng tạo, linh hoạt giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm trong năm kế hoạch đã đề ra.

Đồng thời, UBND tỉnh Tây Ninh cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nguyên liệu phục vụ dự án, công trình trọng điểm. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giải ngân ngay khi khối lượng hoàn thành được nghiệm thu. Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công gắn với đảm bảo chất lượng công trình, dự án, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí.