Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho tương lai
Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững đất nước, bởi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội.
Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù bằng sức mạnh nội sinh của dân tộc – VĂN HÓA.
Việc đổi mới phương pháp cũng như đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho văn hóa là yêu cầu cần thiết hiện nay, góp phần chấn hưng văn hóa và thực hiện thắng lợi các mục tiêu Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030.
Văn hóa còn, đất nước còn
Chúng ta đang ở trong một thời điểm hết sức quan trọng trong phát triển văn hóa, ở đó đan xen cả những thuận lợi và khó khăn, thời cơ cũng như thách thức. Ở điểm thuận lợi và thời cơ, có thể nói, chưa bao giờ văn hóa nhận được nhiều sự quan tâm như hiện nay, đặc biệt từ Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Không chỉ là những chuyển biến từ phía Nhà nước, các thành phần xã hội cũng thể hiện sự năng động, nhiệt huyết đối với lĩnh vực văn hóa. Giờ đây, nhiều người bắt đầu nói về một công cuộc phục hưng văn hóa đất nước.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, chúng ta cũng thấy những biểu hiện khó khăn, thách thức và vô cùng phức tạp đối với sự phát triển văn hóa. Chúng ta không chỉ đối mặt với những vấn đề thách thức an ninh phi truyền thống, mà còn cả thách thức văn hóa phi truyền thống; không chỉ những vấn đề của xã hội số, kinh tế số, công dân số mà còn cả những vấn đề của văn hóa số.
Sự phát triển của nền kinh tế thị trường đã để lại một số hệ lụy về văn hóa khi những lợi ích vật chất, ích kỷ cá nhân đã len lỏi vào mọi tế bào của xã hội, trong đó có văn hóa. Quá trình hội nhập quốc tế giúp chúng ta tiếp thu nhiều tinh hoa văn hóa thế giới, nhưng cũng có cả những hiện tượng không phù hợp với văn hóa dân tộc.
Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, nhất là mạng xã hội, đã tạo ra không gian mới, thách thức mới cho quá trình quản lý văn hóa khi nhiều người thể hiện cái tôi thái quá, vi phạm những nguyên tắc đạo đức cộng đồng... Tất cả trở thành những nguyên nhân cho rất nhiều những biểu hiện tiêu cực, lai căng, lệch chuẩn, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc trong thời gian vừa qua.
Để khắc phục tất cả những vấn đề trên, việc xây dựng một chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa là cần thiết và quan trọng để định hình và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của quốc gia. Chương trình giúp chúng ta có được một nguồn lực đầy đủ, với những đầu tư mang tính trọng tâm, trọng điểm, mang tính định hướng, khơi nguồn cho các đầu tư xã hội cho văn hóa.
Đầu tư cho tương lai bền vững
Dù vậy, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia nói chung, về văn hóa nói riêng không phải là một công việc dễ dàng nhất là trong việc đầu tư cho văn hóa. Vì vậy, theo tôi, để chương trình đạt được mục tiêu cần:
Thứ nhất, việc xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa cần bám sát vào quan điểm và chủ trương của Đảng và Nhà nước. Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa sẽ là công cụ hỗ trợ cho việc triển khai hiệu quả các mục tiêu này, đồng thời đảm bảo sự nhất quán và liên kết giữa các chương trình, dự án văn hóa trên toàn quốc.
Thứ hai, dù mang tính bao quát để tạo ra tính tổng thể cho sự phát triển văn hóa nhưng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa vẫn cần nhấn mạnh vào một số điểm nhấn, mang tính đột phá như tập trung vào bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc.
Thứ ba, kiên trì quan điểm coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững đất nước. Tăng dần mức chi ngân sách nhà nước cho văn hóa, cả vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp...
Thứ tư, cần có quy định cụ thể về mức đầu tư tối thiểu cho văn hóa từ ngân sách nhà nước (ví dụ, khoảng 1,8% đến 2%) bằng các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thể chế hóa Nghị quyết trên bằng các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong phân bổ ngân sách nhà nước cho từng giai đoạn để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện.
Thứ năm, đổi mới phương thức đầu tư cho văn hóa, có cơ chế thu hút đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ văn hóa. Thực hiện bình đẳng trong đầu tư của Nhà nước đối với các thành phần kinh tế tham gia hoạt động văn hóa trên cơ sở năng lực và hiệu quả xã hội của mỗi tổ chức. Tạo môi trường pháp lý để các doanh nghiệp kinh tế bảo trợ, tài trợ cho văn hóa.
Thứ sáu, đẩy mạnh chiến lược văn hóa đối ngoại, ngoại giao nhân dân thông qua các hoạt động văn hóa; xây dựng các Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại một số quốc gia ở địa bàn trọng điểm, nơi có nhiều kiều bào sinh sống để nuôi dưỡng tình yêu quê hương cội nguồn, tăng cường trao đổi, giao lưu giữa các thế hệ người Việt Nam, giao lưu và tiếp thu có chọn lọc văn hóa nước ngoài.
Như vậy, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa không chỉ đơn thuần là một kế hoạch chi tiết, mà còn là một phương tiện để thể hiện quyết tâm và sự cam kết của Đảng và Nhà nước trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa.
Quốc hội đang thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; Đối với chủ trương đầu tư, Chính phủ đề xuất huy động nguồn lực thực hiện khoảng 122.250 tỷ đồng cho giai đoạn 2025-2030, trong đó vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp được bố trí tối thiểu khoảng 77 nghìn tỷ đồng (chiếm 63%).