Cần có sự phân công rõ ràng trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy
Đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật, tuy nhiên, theo các đại biểu cần có sự phân công rõ ràng trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy…
Theo đó, tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Đình Chung - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng bày tỏ thống nhất cao với tên gọi Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, bởi đảm bảo bao quát phạm vi luật điều chỉnh và phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tính hợp Hiến, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tính khả thi và không chồng chéo với các hoạt động phòng chống, khắc phục sự cố thiên tai, thảm họa theo Luật Phòng thủ dân sự, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Hàng hải Việt Nam.
Đại biểu cũng thống nhất với chủ trương giao Chính phủ ban hành các danh mục dự án, công trình phương tiện giao thông thuộc diện phải thẩm định thiết kế về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan công an, cơ quan chuyên môn về xây dựng và cơ quan đăng kiểm.
Và việc cơ quan soạn thảo đã sửa đổi, bổ sung bãi bỏ một số điều khoản theo hướng tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ; phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho cơ sở và làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân.
Tuy nhiên, theo đại biểu khoản 3 Điều 14 quy định: “Quy hoạch chi tiết đô thị, khu dân cư, cụm công nghiệp và các khu chức năng phải có nguồn điện phục vụ hoạt động phòng cháy, chữa cháy”, cần thay cụm từ “phải có” bằng cụm từ “ưu tiên”. Bởi, quy định phải có chưa khả thi khi điều kiện hạ tầng cung cấp điện lưới hiện nay chưa có nguồn điện riêng biệt cho các mục đích khác nhau, mà chỉ theo từng nhóm cụm hay khu vực.
Do vậy, nên quy định cơ sở phải tự trang bị nguồn điện, ví dụ như máy phát điện hoặc đầu nối phù hợp với hệ thống điện ở cơ sở, trong đó ưu tiên cho nguồn cấp điện phục vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Đặc biệt, góp ý Điều 18 về phòng cháy đối với công trình xây dựng trong quá trình thi công, đại biểu cho rằng, công trình xây dựng trong quá trình thi công phải đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy, nhưng Dự thảo chưa nêu trách nhiệm của các bên liên quan.
Do vậy, cần bổ sung trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy của các bên liên quan trong quá trình thi công, gồm: chủ cơ sở, cá nhân, đơn vị thi công, tư vấn giám sát và thẩm định thiết kế.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm một khoản 5 vào Điều 18: “Chủ cơ sở, cá nhân, đơn vị thi công giám sát và thẩm duyệt thiết kế chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát trong quá trình xây dựng, đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy”.
“Điều này cũng phù hợp với khoản 2, Điều 15 quy định đối với công trình tạm phải có các giải pháp thiết kế về phòng cháy, chữa cháy phù hợp với công năng, đặc điểm của công trình”, đại biểu bày tỏ.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cũng cho rằng, cần có sự phân công rõ ràng trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
Còn theo đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, trong phòng cháy chữa cháy thì phòng cháy giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Vì vậy, Dự thảo Luật cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình trong việc phòng cháy, mà trực tiếp là thiết kế, sử dụng điện trong cơ quan, tổ chức, gia đình.
Đại biểu cho biết, Điều 7 Dự thảo Luật có quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Tuy nhiên, điều luật này cũng chưa nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình.
Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung vào khoản 3 Điều này theo hương: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình phải chịu trách nhiệm chính trong việc phòng cháy, trong trường hợp để xảy ra cháy tại cơ quan, tổ chức, gia đình mình”.
Cũng theo đại biểu, Điều 23 của Dự thảo Luật có quy định về phòng cháy trong lắp đặt, sử dụng điện, tuy nhiên, trong này chưa nêu rõ hệ thống thiết bị an toàn trong việc sử dụng điện cho sinh hoạt cũng như sản xuất, kinh doanh, mới chỉ nêu chung chung các điều kiện an toàn phòng cháy. Cho nên, cần nêu rõ hơn trong mỗi thiết bị sử dụng điện phải có hệ thống cầu chì, để khi xảy ra cháy, cầu chì sẽ tự ngắt nguồn điện, không gây cháy các phương tiện, thiết bị khác.
Đại biểu đề nghị bổ sung Điều 23 một khoản với nội dung: “Khi lắp đặt, sử dụng điện cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, phải có thiết bị bảo đảm tự ngắt nguồn điện”.
Ngoài ra, góp ý Điều 49 và Điều 50, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cũng cho rằng, Dự thảo Luật có đề cập đến nguồn tài chính bảo đảm cho việc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chủ yếu từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, cần nêu cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình, cá nhân.
“Theo đó, các chủ thể này trong các quan hệ phòng cháy, chữa cháy nên chịu một phần kinh phí cho công tác chữa cháy. Sau khi hoàn thành công tác chữa cháy, cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình, cá nhân cần chịu một phần kinh phí theo một tỷ lệ nhất định”, đại biểu đề xuất.