Chính trị - Xã hội

Tinh gọn bộ máy - kỳ vọng từ chỉ đạo của Tổng Bí thư

Hà Thu 02/11/2024 04:30

Từ Đại hội XII, nghị quyết Trung ương đã đánh giá bộ máy Nhà nước cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, phải sắp xếp, phải tinh gọn.

Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được ban hành cũng chỉ ra thực trạng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu.

Nghị quyết số 18-NQ/TW cũng chỉ ra chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp.

Đặc biệt, việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp và trong từng cơ quan, tổ chức chưa hợp lý, thiếu đồng bộ. Việc kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt kết quả thấp.

Đáng chú ý, số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước rất lớn, nhất là ở các đơn vị sự nghiệp công lập, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và ở thôn, tổ dân phố…

thutuc.jpg
Người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh minh họa

Thảo luận tại tổ sáng 31/10 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng, nghị quyết Trung ương trong nhiều nhiệm kỳ qua đều nêu chủ trương về sự cần thiết tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; trước hết là nhằm sử dụng hiệu quả ngân sách. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay chúng ta mới làm từ dưới lên như xã, huyện sáp nhập còn tỉnh chưa làm tới. Hay mới thực hiện sắp xếp ở một số vụ, cục, tổng cục của bộ, ngành còn Trung ương chưa làm.

Dẫn chứng cho vấn đề này, Tổng Bí thư Tô Lâm phân tích, khoảng 70% ngân sách dùng để chi trả lương, chi thường xuyên, tức tỷ lệ ngân sách dành cho chi đầu tư phát triển thấp; trong khi các quốc gia khác chi trên 40% ngân sách cho trả lương và dành trên 50% ngân sách chi cho quốc phòng - an ninh, giáo dục, y tế, an sinh xã hội.

Vẫn theo phân tích của Tổng Bí thư Tô Lâm, không thể tăng lương, vì tăng lương trong khi bộ máy khổng lồ sẽ lên đến 80-90% chi ngân sách, không còn tiền để làm các hoạt động khác. Bộ máy cồng kềnh kìm hãm sự phát triển.

Do đó, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, cần thiết phải tinh gọn bộ máy để phát triển. Trung ương mà gọn được thì tỉnh sẽ gọn. Không có bộ thì tỉnh không có sở, huyện không có phòng.

"Ở đâu cũng phải làm và tới đây Trung ương phải gương mẫu, các ban của Đảng phải gương mẫu, Quốc hội gương mẫu, Chính phủ gương mẫu", Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo.

Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều bộ, ngành có bộ máy tổ chức cồng kềnh, không rõ chức năng, nhiệm vụ, không phân cấp cho địa phương, dẫn tới cơ chế xin - cho làm mất thời gian của người dân và doanh nghiệp.

Đáng chú ý, có nhiều việc cùng được nhiều cơ quan “ôm”, nhưng hỏi đến trách nhiệm chính thì không biết quy cho ai như vụ giải quyết vấn đề cát, đá, sỏi. Mặc dù có tới 5-6 Bộ tập trung nghiên cứu nhưng “không biết ai chủ trì”. Chỉ một vấn đề thôi bao nhiêu cuộc họp nhưng hỏi ai chịu trách nhiệm chính thì không biết ai.

Việc chồng chéo trong quản lý dẫn đến doanh nghiệp khổ sở, phát sinh tiêu cực, thậm chí tội phạm cũng xen vào. Nhiều doanh nghiệp cho biết thủ tục đầu tư dự án rất phức tạp, phải qua khoảng 38-40 con dấu với thời gian xử lý trung bình 2-3 năm do bất cứ thủ tục nào cũng phải hỏi ý kiến các sở, ngành liên quan bằng văn bản...

Có thể khẳng định, những bất cập trong quy định, hệ thống quản lý gây ra sự lãng phí lớn về tài sản, thời gian, cơ hội của người dân, doanh nghiệp, Nhà nước mà nếu không tinh gọn bộ máy thì dễ gây những hệ lụy “ăn mòn nền tảng phát triển” của quốc gia.

Không thể phủ nhận, những năm qua Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm tới việc tổ chức bộ máy của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vững mạnh. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả ở nước ta đã đạt được những kết quả đáng kể. Bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương từng bước phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, cơ bản khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý.

Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, việc tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vững mạnh vẫn chưa theo kịp và đáp ứng tốt yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy ở một số nơi thiếu kiên quyết, đồng bộ và chưa đạt mục tiêu đề ra; quá trình rà soát, tinh giản biên chế chưa thực sự gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...

Hy vọng, với sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm “phải tinh gọn bộ máy, tiếp tục giảm biên chế, giảm chi tiêu thường xuyên để dành nguồn lực đầu tư, phát triển”, trong kỷ nguyên mới này, chúng ta sẽ tinh gọn được bộ máy, giảm biên chế, cải cách thủ tục hành chính, giảm chi tiêu thường xuyên để dành nguồn lực đầu tư phát triển đất nước.

Có như vậy, chúng ta mới có nhiều cơ hội để bứt phá phát triển với mục tiêu đến 2045 là một nước phát triển, thu nhập cao, quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người phải gấp ba lần bây giờ.

Hà Thu