“Chọn bỏ” các thủ tục, điều kiện kinh doanh tạo rào cản cho phát triển
Tăng cường "chọn bỏ" các thủ tục, điều kiện kinh doanh tạo rào cản phát triển để theo sát, theo đúng tín hiệu và vai trò của thị trường.
Đây là một trong những khuyến nghị chính sách được Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đề cập tại Diễn đàn nhịp đập kinh tế Việt Nam (VEP) lần thứ tư với chủ đề "Định hướng tương lai: Điều chỉnh chiến lược và chính sách phát triển kinh tế Việt Nam trong bối cảnh quốc tế mới".
Diễn đàn do CIEM và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đồng tổ chức thường niên nhằm phân tích các định hướng chính sách phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ và môi trường bền vững.
Đề cập đến bối cảnh mới, bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM nhấn mạnh đến những chuyển đổi đan xen giữa tự do hoá và bảo hộ, đa phương và song phương… đang diễn ra trong kinh tế thế giới. Cùng với đó, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường đang trở thành xu hướng tất yếu. Kinh tế Việt Nam cũng nằm trong guồng quay của sự chuyển đổi cũng như xu hướng phát triển đó.
Đồng quan điểm, bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện thường trú của UNDP đề cập sự phát triển nhanh của công nghệ và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ. Kinh tế toàn cầu đang trải qua năm 2024 đầy thách thức. Dự báo năm 2025 tiếp tục có nhiều thay đổi và biến động tác động đến phát triển kinh tế.
Tại Việt Nam, dù phải đối mặt với nhiều thách thức tác động, trong đó có ảnh hưởng của cơn bão số 3 nhưng kinh tế vĩ mô vẫn phát triển ổn định, tăng trưởng kinh tế đã vượt dự báo. Tuy nhiên, trước bối cảnh quốc tế Việt Nam đang đòi hỏi Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ để theo kịp sự phát triển.
Tại một số thị trường nhập khẩu hàng hoá lớn của Việt Nam, yêu cầu về điều kiện môi trường, phát triển bền vững ngày càng trở nên chặt chẽ. Chẳng hạn như cơ chế CBAM đã được EU triển khai, trong đó áp dụng phí carbon nhằm yêu cầu các nước xuất khẩu như Việt Nam tăng cường đầu tư cho môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.
Biến đổi khí hậu, nhìn ở góc độ tích cực, theo nhấn mạnh của bà Ramla Khalidi - tạo cơ hội đẩy nhanh chuyển đổi kinh tế theo hướng xanh và tuần hoàn, góp phần gia tăng sự chống chịu của nền kinh tế, tăng tốc nâng cao năng suất lao động, đảm bảo lợi thế cạnh tranh. Thích ứng nhanh với sự thay đổi này cũng giúp đưa hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường mới, gia tăng giá trị xuất khẩu, đảm bảo cho sự phát triển bền vững hơn.
Bối cảnh mới đòi hỏi tư duy chính sách mới để sự thích ứng. Theo đó, bà Ramla Khalidi cho rằng, Việt Nam nên ưu tiên năng lực nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; nắm bắt cơ hội chuyển đổi. Các thực hành tốt mở ra cơ hội để Việt Nam đẩy nhanh chuyển dịch sang nền kinh tế xanh, khai thác cơ hội xuất khẩu mới, xây dựng năng lực khoa học công nghệ trong kỷ nguyên thay đổi nhanh chóng.
Tiếp tục cải cách thể chế cũng là một trong những khuyến nghị chính sách được TS Nguyễn Hữu Thọ - Trưởng ban Phân tích và dự báo kinh tế của CIEM đề cập. Cụ thể, trong ngắn hạn, tăng cường tháo gỡ các rào cản khi xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã ban hành trong các năm 2023 - 2024 với tinh thần tăng cường “chọn bỏ” các điều kiện, thủ tục kinh doanh để theo sát, theo đúng tín hiệu thị trường, vai trò của thị trường.
Trong trung hạn, trọng tâm là nâng cao chất lượng các văn bản luật, cải thiện tiến độ. Hiện tuổi thọ của Luật trung bình khoảng 9 năm nhưng quá trình xây dựng luật hiện nay kéo dài 2-3 năm, chưa kể sửa đổi, bổ sung… Bên cạnh đó, chuyển đổi tư duy hỗ trợ sản xuất theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, hướng đến doanh nghiệp và hộ gia đình mới thành lập hoặc quay lại hoạt; doanh nghiệp gặp rủi ro thiên tai; doanh nghiệp sản xuất hàng hoá thay thế nhập khẩu…