Kinh tế thế giới

Malaysia xây dựng kế hoạch táo bạo khởi động ASEAN 2025

Cẩm Anh 02/11/2024 11:04

Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim sẽ tập trung vào việc thúc đẩy dòng chảy thương mại và đầu tư.

bien-dong-thu-tuong-malaysia-canh-bao-trung-quoc-bac-kinh-nhe-giong-muon-doi-thoai-20230404212117.jpg
Giới quan sát kỳ vọng Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim sẽ mang lại nhiều đột phá cho ASEAN

Trái ngược với kỳ vọng của một số nhà phân tích, chức Chủ tịch ASEAN của Malaysia vào năm 2025 không chỉ đơn thuần đi theo quỹ đạo tương tự mà còn đánh dấu sự đổi mới của tổ chức này.

Malaysia đặt mục tiêu khẳng định lại tầm quan trọng của ASEAN trong bối cảnh địa chính trị đang thay đổi, đồng thời giải quyết các vấn đề thương mại vẫn còn tồn tại.

Mặc dù ASEAN ban đầu được thành lập tại Bangkok vào năm 1967 để thúc đẩy hợp tác xã hội, văn hóa và kinh tế, nhưng tổ chức này đã dần phát triển thành một nền tảng cho sự hợp tác chính trị và an ninh từ năm 1976 đến năm 2024.

Tuy nhiên, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã lập luận rằng sự tập trung của ASEAN vào an ninh đã làm lu mờ hội nhập kinh tế. Ông bày tỏ lo ngại rằng thương mại nội khối ASEAN vẫn trì trệ ở mức dưới 25% tổng thương mại ASEAN với thế giới trong suốt năm thập kỷ qua.

Ông Anwar đã nhấn mạnh điều này trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ở Viêng Chăn vừa qua và nhắc lại quan điểm mà ông đã nêu ra một năm trước tại APEC 2023 ở San Francisco.

Theo đó, Thủ tướng Malaysia nhấn mạnh rằng ASEAN không thể trở thành một cộng đồng thực sự nếu không có nền tảng kinh tế vững chắc hơn và dưới sự lãnh đạo của Malaysia, khối này phải đảo ngược tình trạng trì trệ kinh tế. Mặc dù vậy, ông Anwar khẳng định rằng ông mong chờ việc nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN, dự kiến sẽ được ký kết vào năm 2025.

Nền kinh tế Malaysia đã mạnh lên, với đồng tiền nội địa ổn định ở mức khoảng 4,34 ringgit đổi 1 đô la Mỹ, bất chấp cuộc bầu cử Mỹ sắp tới. Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới cũng xác nhận tiến trình của Malaysia trong việc hướng tới việc đạt được vị thế thu nhập cao vào năm 2027.

a.jpg
Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone (trái) trao chiếc búa Chủ tịch ASEAN cho Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: Reuters

Theo ông Phar Kim Beng, Tổng giám đốc điều hành của công ty tư vấn Strategic Pan Indo-Pacific Arena của Malaysia, với quỹ đạo kinh tế của Malaysia đang được cải thiện, ông Anwar có thể kêu gọi bầu cử vào năm 2026, sớm hơn thời hạn quy định trong hiến pháp là cuối năm 2027, đồng thời ông cũng tận dụng sự chuyển đổi của ASEAN để thể hiện vị thế là một chính khách khu vực và toàn cầu.

Tầm quan trọng ngày càng tăng của ASEAN đã được nêu bật trong Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng hợp tác ASEAN-Vùng Vịnh lần đầu tiên vào năm 2023. Mặc dù Jordan không phải là thành viên của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh GCC, nhưng một nhóm nghiên cứu nổi tiếng ở Amman gần đây đã xếp hạng ông Anwar là nhà lãnh đạo Hồi giáo có ảnh hưởng thứ 15 trên toàn cầu.

Ông Anwar cũng là người ủng hộ mạnh mẽ việc Timor-Leste gia nhập ASEAN, điều này sẽ kết nối khối này với Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, một khu vực được các cường quốc như Trung Quốc và Nga đang nhắm đến.

Thủ tướng Anwar đang nỗ lực xây dựng một khuôn khổ hợp tác giữa ASEAN, GCC và Trung Quốc, đặc biệt là trong vấn đề thương mại. Ông cũng khuyến khích Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia những nỗ lực này thông qua các nền tảng như Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-GCC.

Chuyên gia Phar Kim Beng nhận định, sự hợp tác này sẽ tập trung vào ngoại giao kinh tế, mà không làm giảm tầm quan trọng của mối quan hệ ASEAN giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.

Thủ tướng Anwar cũng đặt mục tiêu định vị Malaysia là cầu nối giữa Đông Á và thế giới Hồi giáo, đồng thời tận dụng các quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (CSP) của ASEAN với Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Hoa Kỳ.

Ông Anwar hợp tác chặt chẽ với các học giả hàng đầu như giáo sư Osman Bakar của Đại học Hồi giáo quốc tế Malaysia và giáo sư Tu Weiming của Đại học Bắc Kinh, để khám phá những điểm chung giữa Nho giáo và Hồi giáo. Những giá trị chung này có thể đóng vai trò là nền tảng cho sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa và chính trị.

Dự kiến ​​nền kinh tế Malaysia sẽ tăng trưởng 4,9% vào năm 2024, và tăng trưởng hơn 5% vào năm 2025, trở thành một trong những nền kinh tế mạnh nhất Châu Á - Thái Bình Dương. Chính vì vậy, vai trò lãnh đạo của ông Anwar sẽ góp phần nhằm đảm bảo rằng ASEAN vẫn tập trung vào thương mại, tránh những căng thẳng địa chính trị không cần thiết.

Sẽ là sai lầm nếu coi đơn xin gia nhập BRICS của Malaysia là dấu hiệu liên kết với Trung Quốc hoặc Nga đi ngược lại lợi ích của ASEAN. Thái Lan cũng đã nộp đơn xin gia nhập BRICS, phản ánh mối quan tâm rộng lớn hơn trong việc đa dạng hóa các quan hệ đối tác quốc tế. Trong khi đó, Malaysia đang cân nhắc gia nhập OECD, sau Indonesia, nhằm thể hiện thêm tham vọng toàn cầu của nước này.

Giới quan sát nhận định, khi Malaysia đảm nhiệm chức chủ tịch ASEAN, các quốc gia thành viên của tổ chức này sẽ sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau thay vì để các chia rẽ xuất hiện. Đặc biệt, Thái Lan và Indonesia sẽ ủng hộ sự lãnh đạo của Malaysia để đảm bảo ASEAN vẫn gắn kết và tập trung vào việc phục hồi sau những gián đoạn kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra.

Cẩm Anh