Be nhảy vào cạnh tranh bTaskee
Ứng dụng gọi xe BE đá chéo sân lĩnh vực gọi thuê giúp việc. Một bước mang tính “xa lạ” lên siêu ứng dụng.
Cuối tháng 10 vừa rồi, ứng dụng xe công nghệ BE chính thức ra mắt BE Giúp việc tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh. Đây là dịch vụ cung cấp người dọn dẹp đa dạng theo giờ, từ gói 2 giờ, 3 giờ cho đến 4 giờ. Ngoài ra dự kiến họ sẽ ra mắt dịch vụ Tổng vệ sinh với các lựa chọn dọn dẹp toàn diện và chuyên sâu hơn.
Động thái của BE được đánh giá là màn cạnh tranh trực tiếp với bTaskee, một dịch vụ gọi người dọn dẹp bằng ứng dụng (tương tự gọi xe công nghệ) đang rất nổi tiếng hiện nay. Gọi là cạnh tranh, bởi giá của BE Giúp việc rẻ hơn từ 10 đến 20 nghìn đồng so với bTaskee, đồng thời không tăng giá vào cuối tuần, trong khi bTaskee có tăng giá.
Vì mới ra mắt chưa đến một tuần nên chưa thể đánh giá độ hiệu quả hoặc hiệu suất mà BE Giúp việc đem lại. Tuy nhiên việc một ứng dụng gọi xe công nghệ như BE đá chéo sân sang các mảng khác không hề hiếm lạ. Bởi đây chính là con đường lên siêu ứng dụng mà một loại các ứng dụng gọi xe khác đã và đang thực hiện, chẳng hạn Grab, Gojek.
Siêu ứng dụng (super app) là định nghĩa về một ứng dụng trong đó bao gồm nhiều ứng dụng nhỏ (mini app) khác. Chẳng hạn trong ứng dụng Grab, người dùng có thể tìm thấy các dịch vụ như gọi xe, giao đồ ăn, giao hàng, đi chợ hộ, thậm chí tài chính.
Đến cả ông lớn gọi xe của Mỹ là Uber cũng học tập đi theo con đường siêu ứng dụng bằng cách tích hợp thêm nhiều dịch vụ khác bên cạnh gọi xe.
Tháng 5/2023, trong sự kiện Go-Get ở thành phố New York, Uber đã giới thiệu nhiều tính năng mới cho người dùng.
Đầu tiên là dịch vụ thuê thuyền ở Mykonos, Hy Lạp. Khác với đội phà trên sông Thames (London) mà Uber cùng bên khác vận hành chủ yếu phục vụ người đi làm, thì dịch vụ thuê thuyền này là các thuyền riêng tư. Đại diện Uber cho biết họ ra mắt dịch vụ này vì đang nhắm đến xu hướng du lịch sau đại dịch, và Hy Lạp sẽ là một điểm hấp dẫn đối với du khách, đặc biệt du khách bay trực tiếp từ Mỹ.
Thứ hai là dịch vụ mua hàng theo nhóm. Với tính năng này, khi người dùng mua theo nhóm, họ sẽ không phải đau đầu tính toán xem ai nợ ai bao nhiêu, hoặc ai sẽ được trả lại bao nhiêu tiền. Ngoài ra còn có một số tính năng thân thiện với người dùng khác như chọn món ngoài danh sách hoặc đề xuất sản phẩm thay thế.
Đây là những tính năng giúp họ cải thiện trải nghiệm tiêu dùng, khiến người mua thích mua hàng trên Uber hơn, từ đó tăng cường thêm mảng giao hàng tạp hóa. Uber đã tiêu tốn hàng tỷ đô để đẩy mạnh giao hàng tạp hóa bằng các thương vụ mua lại Careem, Cornershop, Postmates và Drizly.
Rồi đến tháng 10/2023, Uber còn tung ra dịch vụ gọi khinh khí cầu tại Cappadocia (Thổ Nhĩ Kỳ). Dịch vụ hoạt động từ ngày 24/10 đến 19/11, với giá 159 đô cho mỗi chuyến đi kéo dài 1,5 giờ đồng hồ ngắm phong cảnh núi lửa. Trước đó họ cũng có một số dịch vụ “gọi” độc đáo khác như xe tuk tuk hoặc gọi cả trực thăng.
Những dịch vụ đa dạng của Uber, của Grab hay của Gojek là minh chứng cho xu hướng đi lên thành siêu ứng dụng của các ứng dụng gọi xe công nghệ.
Mặc dù mở nhiều tính năng, nhưng qua thời gian cho thấy, các tính năng bền vững nhất của các ứng dụng xuất phát điểm gọ xe này là những gì xoay quanh tài nguyên cốt lõi là “tài xế”, chẳng hạn dịch vụ gọi xe, giao đồ ăn, giao hàng. Những tính năng rời xa cốt lõi thường không bền. Chẳng hạn các dịch vụ gọi khinh khí cầu, gọi trực thăng của Uber không bền, không hiệu quả.
Nếu chiếu theo quy luật này thì giúp việc không phải là một dịch vụ dựa trên nền tảng cốt lõi tài xế. Đó sẽ là một thách thức cho Be.
Tiếp đến, là một tân binh nên Be cũng sẽ cần truyền thông mạnh để người dùng biết đến trong bối cảnh ở thị trường gọi dịch vụ giúp việc, bTaskee hay Jupviec mới là những ứng dụng người ta nhớ đến nhiều nhất, giống như khi gọi xe thì người dùng nhớ đến Grab vậy. Nếu như tuy sinh sau đẻ muộn nhưng Be vẫn vươn lên cạnh tranh sòng phẳng được với Grab thì Be giúp việc vẫn hoàn toàn có cơ sở để cạnh tranh lại bTaskee.