Đà Nẵng chuẩn bị gì để đón dòng khách từ Ấn Độ?
Ngành du lịch Đà Nẵng tập trung hình thành đa dạng sản phẩm cũng như cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực,… để đảm bảo đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Đà Nẵng bắt đầu chú trọng công tác quảng bá xúc tiến đến thị trường Ấn Độ từ năm 2018 thông qua nhiều hoạt động nổi bật như tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch Đà Nẵng tại Mumbai, New Delhi, tổ chức đón các đoàn Famtrip là đại diện các công ty lữ hành, sự kiện, wedding planner từ Ấn Độ đến khảo sát điểm đến, cơ sở hạ tầng, kết nối với doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng,...
Sẵn sàng sản phẩm, dịch vụ
Cùng với đó, Đà Nẵng cũng đã tích cực tham gia Hội chợ Du lịch và Lữ hành Nam Á SATTE; Đón các đoàn famtrip, KOLs từ thị Ahmedabad (Ấn Độ) đến tham quan, trải nghiệm tại Đà Nẵng; Đẩy mạnh truyền thông trực tuyến du lịch Đà Nẵng trên trang Instagram dành cho thị trường Ấn Độ,... Song song, địa phương đã phối hợp với các doanh nghiệp du lịch - dịch vụ - ẩm thực, các hãng hàng không, Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Đầu tư khai thác Nhà ga quốc tế Đà Nẵng và các đơn khác triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tối đa hóa trải nghiệm của khách du lịch Ấn nói riêng và các khách du lịch quốc tế chuyên biệt tại Đà Nẵng.
Cụ thể, đã bố trí phòng cầu nguyện tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng, hỗ trợ phát triển và truyền thông về hệ thống các nhà hàng, cơ sở ẩm thực đạt chứng nhận Halal, ẩm thực Ấn Độ….
Ngoài ra, Sở Du lịch đã tổ chức các buổi Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm phục vụ và chuẩn bị sản phẩm, dịch vụ ẩm thực dành cho thị trường Ấn Độ và Toạ đàm xây dựng sản phẩm khai thác thị trường Ấn Độ đối với hướng dẫn viên và lữ hành quốc tế,...
Tại Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm phục vụ, xây dựng sản phẩm khai thác thị trường Ấn Độ năm 2024, bà Nguyễn Thị Hoài An - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng nhận định Ấn Độ là 1 trong 10 quốc gia có lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam lớn nhất từ đầu năm 2022 đến nay. Tại Đà Nẵng, vị này thông tin lượng khách du lịch Ấn Độ đến tăng trưởng mạnh trong những năm vừa qua.
“Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2024, thành phố đã đón 151.876 lượt khách, chiếm 43% trong tổng số khách Ấn Độ đến Việt Nam, tăng trưởng 125% so với cùng kỳ năm 2023. Điểm đến Đà Nẵng ngày càng phổ biến, hấp dẫn khách du lịch Ấn Độ với nhiều loại hình du lịch đa dạng, trong đó có du lịch MICE, cưới, nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa, du lịch golf,...”, bà An cho biết.
Được biết, trong 8 tháng đầu năm 2024, Đà Nẵng đã tiếp nhận, hỗ trợ thông tin và đón 134 đoàn khách MICE với khoảng 41.763 lượt khách, trong đó có 17/81 đoàn quốc tế với khách đến từ Ấn Độ và đã thu hút 4 đám cưới lớn của các cặp đôi Ấn Độ với hơn 1.200 khách. Đặc biệt mới đây, Đà Nẵng đã khai trương đường bay quốc tế Ahmedabad - Đà Nẵng từ 23/10/2024 đến 30/3/2025 do hãng Vietjet Air khai thác, tần suất 2 chuyến/tuần sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội tại thị trường tỉ dân này.
Xem Ấn Độ là thị trường bền vững
Để thu hút khách Ấn Độ nói riêng và các thị trường nói chung, Đà Nẵng thời gian tới sẽ phát triển các nhóm sản phẩm du lịch chính như du lịch ban đêm; du lịch thuỷ nội địa; du lịch ẩm thực; du lịch cộng đồng, nông nghiệp và nông thôn. Ngoài ra, sẽ còn các nhóm sản phẩm bổ trợ như du lịch y tế và chăm sóc sức khỏe, du lịch cưới, du lịch giáo dục.
Trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho hay địa phương có nhiều thuận lợi thể thu hút khách du lịch Ấn Độ từ tài nguyên du lịch, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực,... Theo ông Dũng, Ấn Độ được xem là nguồn khách tiềm năng lớn với Đà Nẵng và thị trường này rất bền.
“Ngoài những thuận lợi của địa phương, có thể thấy rằng cứ 2 khách Ấn Độ đến Việt Nam thì sẽ có 1 khách đến Đà Nẵng dù trước đó chưa có đường bay trực tiếp (2023). Như vậy là rất tiềm năng, Đà Nẵng còn có tài nguyên du lịch gần gũi về văn hóa, sinh thái, biển và đường bay về phía Đông Nam Á thì Đà Nẵng là gần nhất”, ông Cao Trí Dũng chia sẻ.
Trước những thuận lợi, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng các doanh nghiệp trên địa bàn cần quan tâm đến điểm mấu chốt Ấn Độ là thị trường đa văn hóa, sắc tộc, ngôn ngữ và đặc biệt là ẩm thực có nhiều loại khác nhau. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tìm hiểu, chuẩn bị kỹ càng nếu muốn đón lượng khách này.
“Thành phố cũng cần có những đầu tư và kêu gọi đầu tư lớn hơn để thu hút thêm sản phẩm, đặc biệt là vào dịch vụ ẩm thực. Hiện nay đã có nhà hàng Ấn Độ rồi nhưng nhà hàng lớn là chưa có, cũng cần mở thêm các khóa đào tạo về cách thức phục vụ nguồn khách này”, ông Dũng đề xuất.