Tận dụng được sự dịch chuyển đơn hàng, VGT lãi lớn
Do tận dụng được sự dịch chuyển đơn hàng dệt may từ các thị trường Trung Quốc, Bangladesh và Myanmar, lợi nhuận quý III của VGT tăng trưởng đột biến.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 mới công bố, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (UpCOM: VGT) ghi nhận doanh thu thuần tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, lên hơn 4.588 tỷ đồng. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp của “anh cả” ngành dệt may của Việt Nam đạt hơn 510 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của VGT tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ, lên 65,5 tỷ đồng, trong khi đó, chi phí cho hoạt động này giảm mạnh 69% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn hơn 63 tỷ đồng, trong đó, chi phí lãi vay giảm 42% so với cùng kỳ, xuống còn 48,5 tỷ đồng.
Các chi phí khác như chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt 19% và 30% so với cùng kỳ, lên hơn 135 tỷ đồng và hơn 271 tỷ đồng; phần lãi trong công ty liên kết cũng sụt giảm 12% so với cùng kỳ, xuống còn 117 tỷ đồng.
Kết quả, sau khi trừ chi phí, VGT mang về hơn 230 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng mạnh 186% so với cùng kỳ; Lãi ròng đạt hơn 129 tỷ đồng, tăng mạnh 385% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 2 năm qua của doanh nghiệp này.
Theo giải trình từ doanh nghiệp, do ngành dệt may có sự cải thiện cả về giá và số lượng đơn hàng, do tận dụng được sự dịch chuyển từ các thị trường Trung Quốc, Bangladesh và Myanmar. Với ngành sợi, thị trường dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng các đơn vị sợi có nhiều thời điểm chốt được giá bông, sợi tốt.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của VGT ghi nhận đạt hơn 12.542 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 406 tỷ đồng, tăng 105% so với cùng kỳ; lãi ròng đạt gần 172 tỷ đồng, tăng mạnh 368% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này “anh cả” ngành dệt may Việt Nam hoàn thành 70% chỉ tiêu doanh thu và 52% mục tiêu lợi nhuận năm 2024.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may trong 9 tháng năm 2024 đã vượt mốc 32,5 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Với tình hình khả quan thời gian gần đây, VITAS nhận định, mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD của dệt may Việt Nam năm 2024 là rất khả thi bởi cuối năm là cao điểm cho đơn hàng và sản xuất dịp Noel, Tết Nguyên đán.
Theo nhận định của Bộ Công thương, Việt Nam là nước duy nhất trong bốn quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới có thị phần tăng trưởng ở các thị trường. Đây là cơ sở để ngành dệt may phấn đấu mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm nay.
Theo đó, thị trường Mỹ tăng từ 17,6% lên 18,3%; châu Âu tuy nhập khẩu dệt may giảm khoảng 5,5%, nhưng hàng dệt may của Việt Nam vẫn giữ được thị phần ở thị trường này ở mức khoảng 4,4%. Tình hình sẽ tiếp tục cải thiện trong những tháng cuối năm và đầu năm sau, nhờ yếu tố chu kỳ, đơn hàng dồi dào.
Dự báo, xuất nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam sẽ tiếp tục khả quan trong những tháng tới, bởi theo yếu tố chu kỳ, nhu cầu hàng hóa thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm. Các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang ẩm dần và đã tăng trưởng trở lại như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada thị trường EU mức tăng trưởng còn thấp. riêng ...
Phát biểu tại Triển lãm Quốc tế ngành Công nghiệp dệt may – thiết bị, nguyên phụ liệu & vải năm 2024 mới đây, Chủ tịch VGT Lê Tấn Trường cho biết, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt kỷ lục 4,66 tỷ USD trong tháng 8/2024, trong đó đi Mỹ đạt 1,9 tỷ USD cũng là mức kỷ lục theo tháng từ trước tới nay.
Chủ tịch VGT Lê Tấn Trường cho rằng, các đơn hàng sẽ được hưởng lợi khi nhu cầu tiêu dùng Mỹ cải thiện vào dịp mua sắm mùa lễ hội. Nhu cầu và đơn giá chỉ thực sự cải thiện từ năm 2025 trong kịch bản tốt. Với các yếu tố thuận lợi như vậy, ngành Dệt may Việt Nam đứng trước các cơ hội lớn về thị trường và khẳng định tiếp tục là một điểm đến sáng trên bản đồ dệt may thế giới.
Về phía EU, lạm phát đang có xu hướng giảm. Sắp tới, châu Âu là “vùng mờ” về khả năng phục hồi kinh tế và nhu cầu tiêu thụ trong trung hạn. Còn với Nhật Bản, nước này cũng đang thay đổi tiếp cận chính sách, chấp nhận lạm phát, mất giá đồng Yên để đạt được tăng trưởng kinh tế. Những yếu tố này khiến nhu cầu tiêu dùng tại 3 thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam được cải thiện trong thời gian sắp tới.
Cùng với đó, trên góc độ cạnh tranh quốc gia, do các yếu tố bất ổn về chính trị, bất cập về chính sách ở các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Myanmar và Bangladesh đã giúp các doanh nghiệp dệt may của chúng ta đón nhận các đơn hàng dịch chuyển từ các quốc gia này. Nhiều doanh nghiệp may đang có các đơn hàng hết quý II, thậm chí quý III/2025.