Kinh tế địa phương

“Tiếp sức” cho Hợp tác xã Quảng Nam

Tuấn Vỹ 04/11/2024 1:01

Tỉnh Quảng Nam xác định sẽ có các chính sách hỗ trợ các Hợp tác xã để các đơn vị tìm lại chỗ đứng vững vàng, phát triển phù hợp với tiềm năng.

Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, hiện nay trên địa bàn đang có 613 Hợp tác xã (HTX) đang hoạt động. Trong đó, có khoảng 407 HTX hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp, 35 HTX ở lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 20 HTX ở lĩnh vực giao thông vận tải và số còn lại ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, môi trường, quản lý chợ.

Theo báo cáo của sở này, phần lớn các HTX hoạt động với quy mô, cấp độ khác nhau nhưng còn nhiều tồn đọng, vướng mắc. Phần lớn, các HTX đều ở quy mô siêu nhỏ, khả năng sản xuất hàng hóa không đủ lớn, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường,...

454567066_2946511952155439_5761495518663689206_n.jpg
Mô hình HTX đã có nhiều đóng góp tích cực vào nền kinh tế chung của tỉnh Quảng Nam.

Đặc biệt, các HTX đều trong cảnh thiếu vốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, năng lực quản lý, vận hành của đội ngũ còn hạn chế. Ngoài ra, các HTX cũng chưa tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ, chính sách liên quan đến khuyến khích thu hút nguồn nhân lực trẻ về làm việc, lương cho cán bộ chủ chốt đã gắn bó lâu dài cũng rất khó khăn.

Cụ thể, bà Phạm Thin Duy Mỹ - Giám đốc HTX Nông Nghiệp Xanh Duy Oanh cho hay đợ vị đang có nhiều thuận lợi để phát triển như có sản phẩm OCOP 4 sao và là sản phẩm đầu tay, sản phẩm khởi nghiệp của HTX. Từ cuối năm 2023 đến nay, nhờ thương hiệu OCOP 4 sao cũng như hỗ trợ từ địa phương nên sản phẩm sớm được lan toả rộng khắ, việc tiếp cận đến khách hàng cũng dễ dàng và hiệu quả hơn. Cùng với đó, cơ sở sản xuất của HTX đáp ứng theo tiêu chuẩn HACCP nên rất thuận lợi cho việc sản xuất.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn kèm đó như do HTX mới thành lập nên còn rất thiếu và yếu trong kỹ năng quản lý điều hành. Đồng thời, nguồn vốn hoạt động còn quá ít, hiện nay HTX đang vay vốn từ Ngân hàng thương mại nên lãi suất rất cao.

“Hiện nay HTX chưa tiếp cận được các cơ chế, chính sách hỗ trợ và các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước, cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc còn hạn chế. Đồng thời, đội ngũ cán bộ trẻ còn thiếu kinh nghiệm, chưa tiếp cận được với các đối tác lớn về thị trường tiêu thụ sản phẩm”, bà Mỹ cho hay.

Trong thời gian đến, bà Mỹ cho hay phía HTX muốn mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường, mở rộng sản xuất,... nên rất cần được tạo điều kiện trong việc được thuê đất để phục vụ sản xuất kinh doanh và xây dựng trung tâm trưng bày sản phẩm OCOP của địa phương. Đồng thời, HTX cũng được hỗ trợ tiếp cận với các nguồn vốn vay tín chấp ưu đãi và với lãi suất thấp cũng như tạo điều kiện để HTX có cơ hội thường xuyên tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

Tại Hội nghị ngày 01/11, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay trên địa bàn có nhiều mô hình tiên tiến đã được ghi nhận. Thông tin từ vị này, thời gian quan địa phương đã có chỉ đạo mạnh mẽ về hợp tác với nước ngoài, tăng cường nguồn vốn vay để hỗ trợ HTX.

“Trong thời gian sắp tới, các HTX nên chú trọng áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh doanh”, ông Bửu đề nghị.

d4d12d742f9197cfce80.jpg
Cần có thêm các phương án hỗ trợ về vốn, chính sách để "giữ chân" các thành viên trong các HTX.

Tương tự, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cũng ghi nhận mô hình HTX có đóng góp tích cực vào nền kinh tế chung của địa phương. Tuy nhiên, ông Dũng cũng nhìn nhận chất lượng, thương hiệu và đầu ra của HTX vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Vì vậy, Chủ tịch Quảng Nam yêu cầu phải định vị lại vai trò của HTX trong cơ cấu phát triển kinh tế của Quảng Nam. Cụ thể, tính phương án hỗ trợ để những HTX sớm trở thành đầu tàu, có tính lan tỏa và dẫn dắt thị trường.

“Hiện nay vẫn còn tình trạng chạy theo thành tích, đơn cử như để đạt được xã nông thôn mới thì cần có HTX. Các cơ quan, ban, ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền để nhận thức đúng đắn về vai trò của HTX, tránh hiểu theo phương thức sản xuất truyền thống; chính quyền cần làm tốt công tác quản lý Nhà nước, triển khai rộng rãi và quyết liệt các chủ trương, chính sách; kiến nghị, đề xuất để sớm bổ sung, chỉnh sửa những văn bản không còn phù hợp, hạn chế sự phát triển”, Chủ tịch Quảng Nam nhấn mạnh.

Đặc biệt, ông Lê Văn Dũng cũng yêu cầu các cấp chính quyền cần tăng cường lắng nghe, đối thoại với HTX. Đặc biệt, với nguồn vốn là nhu cầu, nguồn sống của HTX, Chủ tịch Quảng Nam đề nghị các ngân hàng cần vào cuộc quyết liệt để xem xét, tạo cơ chế tốt nhất cho HTX để các đơn vị dễ tiếp cận.

Tuấn Vỹ