Nghiên cứu - Trao đổi

Đánh thuế bất động sản thứ 2: Tránh tác dụng ngược

Khôi Nguyên 02/11/2024 12:06

Chuyên gia cho rằng, đề xuất đánh thuế bất động sản thứ 2 là hợp lý và rất cần thiết, tuy nhiên nếu thực hiện không đúng thời điểm sẽ gây ra tác dụng ngược…

danh-thue-bat-dong-san-thu-2-tranh-tac-dung-nguoc-1.jpeg
Việc đánh thuế bất động sản thứ 2 nếu thực hiện không đúng thời điểm sẽ gây ra tác dụng ngược. Ảnh minh hoạ

Theo báo cáo của đoàn giám sát Quốc hội mới đây, thuế là giải pháp có tác dụng trung và dài hạn giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững. Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, ban hành mới luật về thuế, trong đó đánh thuế cao với người sử dụng nhiều nhà, đất, chậm sử dụng hoặc bỏ hoang đất đai.

Đoàn giám sát cũng lưu ý chính sách thuế phải đảm bảo mục tiêu tái phân phối thu nhập, tạo nguồn thu hợp lý cho ngân sách trên cơ sở tham khảo thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam. Chính phủ cũng cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký tài sản để tích hợp với hệ thống đăng ký các lĩnh vực khác. Kiến nghị của Đoàn giám sát Quốc hội được đưa ra trong bối cảnh thị trường bất động sản tồn tại bất cập nhiều năm, khi cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý, gây mất cân đối cung - cầu.

Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đề xuất đánh thuế nhà để giải quyết tình trạng giá nhà tăng cao, thị trường bị giới đầu cơ chi phối. Đề xuất này sau đó được sự ủng hộ từ Bộ Tài chính nhưng một số ý kiến cho rằng khi đánh thuế sẽ đẩy giá nhà, đất tăng. Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng chính sách thuế không làm tăng giá nhà đất, ngược lại giúp hạn chế đầu cơ, thổi giá.

Trao đổi về vấn đề này, TS Trần Xuân Lượng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam, cho rằng cần nghiên cứu việc đánh thuế đúng và trúng đối tượng.

“Áp dụng thuế ngay lúc này giống như “đánh chuột không đậy cửa hang”, tránh đánh thuế không đúng, không trúng đối tượng, dẫn đến có người bị đánh thuế, có người không, người bị đánh thuế cao, người bị đánh thuế thấp. Giải pháp cho vấn đề này là phải xây dựng bộ dữ liệu bất động sản chuẩn thì mới đánh thuế chuẩn được”, TS Trần Xuân Lượng nêu quan điểm.

Cũng theo vị chuyên gia này, việc đánh thuế bất động sản thứ 2 trở lên cần tính theo trị giá và giá trị gia tăng. Ông lấy ví dụ, nếu một người có bất động sản thứ 2, thứ 3 rất nhỏ, tính tổng diện tích cộng lại chỉ bằng 1/10 bất động sản thứ nhất của một người khác, vậy nếu chỉ căn cứ vào bất động sản thứ 2 trở lên mà không căn cứ vào trị giá của bất động sản đó để đánh thuế thì sẽ không hợp lý. Trường hợp bất động sản đó được mua 1 tỷ đồng, nhưng bán ngay sau đó được 1,5 tỷ đồng, thì Nhà nước đánh thuế vào phần giá trị gia tăng này.

“Việc xác định đối tượng bị đánh thuế bất động sản thứ 2 nếu không dựa trên trị giá, quy mô bất động sản đó sẽ gây áp lực cho người có nhu cầu ở thực. Cho nên lộ trình đánh thuế trong khoảng 2-3 năm tới sẽ phù hợp để đảm bảo lợi ích số đông người dân. Bên cạnh đó, để điều tiết hạ giá nhà đất cũng cần có nhiều biện pháp khác nhau, nhằm xử lý bài toán về cung - cầu cân bằng”, TS Trần Xuân Lượng chia sẻ.

danh-thue-bat-dong-san-thu-2-tranh-tac-dung-nguoc-2.png
Sử dụng thuế bất động sản cũng giống như việc dùng thuốc, sẽ có những tác dụng phụ không mong muốn nếu như không dùng đúng cách và đúng liều lượng. Ảnh minh hoạ

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao CBRE chi nhánh Hà Nội cũng cho rằng, sử dụng thuế bất động sản cũng giống như việc dùng thuốc, sẽ có những tác dụng phụ không mong muốn nếu như không dùng đúng cách và đúng liều lượng.

Theo bà An, tại Việt Nam, đánh thuế một cách "đại trà" thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đại đa số người dân có nhu cầu mua để ở thực, bởi chính họ là người sẽ chịu các khoản thuế phí cuối cùng. Mặt khác, những gia đình làm việc chăm chỉ, tích góp nhiều năm muốn mua thêm căn nhà thứ 2, thứ 3 cho con cái, tuy nhiên khi chưa sử dụng đến họ cho người khác thuê. “Các cơ quan chức năng cần cân nhắc, tính toán để áp dụng một cách hợp lý, tránh gây nên tác dụng phụ là tận thu thuế. Quan trọng nhất vẫn là xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin đầy đủ. Khi chúng ta đánh thuế hợp lý, thị trường cũng sẽ phát triển ổn định, minh bạch hơn”, bà An kiến nghị.

Từ góc nhìn cơ quan quản lý, ông Vương Duy Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, đây là chính sách mới nên việc nghiên cứu, đề xuất cần thấu đáo, toàn diện. Khi xây dựng chính sách cụ thể, Bộ Xây dựng sẽ đánh giá tác động đầy đủ đến các đối tượng chịu tác động của chính sách, doanh nghiệp kinh doanh, người dân, bên bán, bên mua, bên thuê.

“Ngoài ra, các chính sách này cũng phải phù hợp với thông lệ quốc tế, điều kiện cụ thể phát triển kinh tế - xã hội trong nước, bảo đảm hài hòa lợi ích, tránh tác động tiêu cực đến thị trường cũng như các hoạt động kinh doanh, giao dịch bất động sản”, ông Dũng cho biết.

Khôi Nguyên