Hà Nội: Khu ký túc xá bỏ hoang cả thập kỷ thành nhà ở xã hội cho thuê
Hà Nội dự kiến hoàn thành cải tạo tòa A2, A3 tại khu ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp thành nhà ở xã hội cho thuê vào năm 2026.
Tại cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện một số dự án đầu tư trên địa bàn thành phố được tổ chức mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh giao Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố khẩn trương hoàn thiện các thủ tục triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên cơ sở cải tạo, nâng cấp nhà A2, A3 (đã xây dựng phần thô) của Dự án Khu nhà ở cho học sinh, sinh viên (Khu đô thị Pháp Vân- Tứ Hiệp, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai).
Theo đó, Hà Nội dự kiến hoàn thành cải tạo, nâng cấp tòa A2, A3 trong năm 2026. Còn tòa A4 hoàn thành đầu tư xây dựng trong năm 2027.
Ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp được xây dựng trên khu đất có vị trí đẹp ở phía nam thành phố rộng hơn 40.000 m2, nằm gần cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, giáp đường Vành đai 3, đường Giải Phóng - là những tuyến đường huyết mạch, gần nhiều trường đại học, cao đẳng.
Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách với chi phí đầu tư 1.900 tỉ đồng. Mục đích của dự án là hỗ trợ chỗ ở cho sinh viên và được kỳ vọng sẽ cung cấp nơi ở cho khoảng 22.000 sinh viên.
Theo thiết kế, mỗi phòng rộng hơn 50 m2, được trang bị đầy đủ thiết bị như bình nóng lạnh, vòi tắm hoa sen, bàn học, giường tầng, có lắp đầu chờ điều hòa… Quy định suất đầu tư dành cho 8 người/phòng, với giá thuê là 205.000 đồng/người/tháng (chưa bao gồm giá điện, nước).
Dự án được triển khai năm 2009 gồm 6 khối nhà A1, A2, A3, A4, A5, A6, đến nay mới chỉ có 2 khối nhà được đưa vào sử dụng; 4 khối nhà khác đang bỏ hoang.
Đa số các tòa nhà chỉ mới được xây xong phần thô, chưa hoàn thiện nội thất. Công trình đã xuất hiện dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, nhiều phần đất trong khu ký túc xá được người dân tận dụng để trồng rau.
Năm 2017, Sở Xây dựng từng đề xuất chuyển đổi nhà A2, A3 từ nhà ở sinh viên thành nhà ở xã hội. Tuy nhiên phải đến đầu năm nay, thành phố Hà Nội mới chính thức có quyết định phê duyệt kế hoạch chuyển đổi công năng dự án, bằng tiền ngân sách.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng thừa nhận: Một số dự án thu hút sinh viên không tốt trong khi quỹ nhà ở xã hội chưa được lớn, chủ trương chuyển đổi của UBND TP Hà Nội là phù hợp nhưng phải tuân thủ nguyên tắc việc chuyển đổi từ vốn trái phiếu chính phủ thành vốn xã hội hóa có ưu đãi phải tính toán cụ thể, làm sao thu hồi được vốn ngân sách đã đầu tư. Vấn đề thứ hai là đối tượng ở sau chuyển đổi là các hộ gia đình, kèm theo đó là hạ tầng xã hội như trường học, trạm y tế, vui chơi giải trí… cần phải được tính toán cho phù hợp.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT cho rằng: Các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên được sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nếu thiếu vắng người ở sẽ là sự lãng phí lớn về đất đai, tiền của. Thế nên phải thay đổi cách quản lý để không lãng phí và đáp ứng đúng nhu cầu nhà ở của xã hội.
"Quan trọng nhất ở đây phải có phương án quy hoạch, dành không gian để phát triển hạ tầng xã hội như nhà trẻ, y tế, nơi cung cấp dịch vụ đời sống cho cư dân khi người dân đến đó" - GS Võ nhấn mạnh.