Hai trường phái cà phê Starbucks và Luckin: Ai sẽ chiến thắng?
Hai công ty cà phê Starbucks và Luckin tiếp tục đại diện cho màn "so găng" chiến lược kinh tế Trung Quốc và Mỹ, với hai đặc điểm đối lập.
Cuộc "so găng" kinh tế Trung Quốc và Mỹ ngày càng gay cấn, nhưng không kém phần hấp dẫn, từ công nghệ bán dẫn đỉnh cao, xe điện, pin năng lượng mặt trời đến mỗi cốc cà phê của hai đại diện Starbucks và Luckin Coffee.
Sau khi Luckin Coffee có màn “chào sân” ấn tượng tại quê nhà, dần lấy đi thị phần của gã khổng lồ Starbucks - bây giờ công ty cà phê Trung Quốc lên hẳn kế hoạch tiến vào thị trường Mỹ.
Hồi đầu tuần này, Starbucks bổ nhiệm CEO mới - Brian Niccol, ông đã trấn an nhà đầu tư rằng, ông cần dành nhiều thời gian hơn ở Trung Quốc để hiểu rõ những thách thức.
Trước đó, tập đoàn đồ uống nổi tiếng này đã chứng kiến doanh số bán hàng giảm tới 14% do lượng khách hàng và mức chi tiêu trung bình cho mỗi khách hàng đều giảm. Dẫu vậy, ai cũng biết rằng nguyên nhân chính yếu là do các nhà cung cấp cà phê mới nổi khiến Starbucks ôm hận.
Y hệt như xe điện vậy! Xuất hiện hàng loạt chứ không chỉ có Luckin - các đối thủ địa phương khác bao gồm Cotti Coffee, Manner, M Stand, Seesaw và Nowwa. Tại Bắc Kinh, một cốc cà phê nhỏ có giá 2,25 USD tại Luckin, 1,75 USD tại Cotti và 2,11 USD tại Manner.
Trong khi mỗi cốc cà phê cơ bản tại Starbucks là 4,22 USD. Và đó là chưa kể các mức giảm giá mạnh thường xuyên của các cộng ty bản địa. Ví dụ, một ngày gần đây, Luckin đã đưa ra chương trình khuyến mãi bán hầu hết các loại đồ uống với giá 90 xu.
Tân CEO Starbucks, Brian Niccol, có lý khi nói rằng ông cần thêm thời gian để hiểu những thách thức tại Trung Quốc. Sự đơn giản của các công ty đại lục chính là điểm rất khó của Starbucks và không chỉ riêng ngành đồ uống.
Đây là minh chứng: Nhiều chuỗi cửa hàng của các công ty Trung Quốc thường có diện tích tối giản, và chỉ có hai - hoặc trong trường hợp của Manner Coffee thường chỉ có một nhân viên pha chế, thực đơn đồ ăn hạn chế và chỗ ngồi chỉ hơn một vài chiếc ghế gấp. Kết quả là đồ uống thường rẻ hơn Starbucks một nửa.
Và vô số thứ có hơi hướng “dân tộc chủ nghĩa”: Thương hiệu Manner tự hào rằng họ chỉ sử dụng hạt cà phê có nguồn gốc tại địa phương. Cà phê - thậm chí được pha với nước ép trái cây, có mùi hoa và được làm đặc bằng gạo và thậm chí là phô mai.
Ngoài cà phê, các cửa hàng trà đặc sản như ChaPanda, Auntea Jenny và Mixue Bingcheng bán các loại trà trái cây và trà sữa tương tự như Starbucks với giá thấp hơn khoảng 60%. Ngoài các loại đồ uống trà giá rẻ, Auntea Jenny còn bán cà phê latte với giá 2,67 USD. Phiên bản của Mixue có giá 56 xu.
CEO Brian Niccol, mới nhậm chức và ở cách Trung Quốc hàng nghìn dặm, bày tỏ “muốn đưa Starbucks về giá trị cốt lõi”. Đó là một không gian cà phê thân thiện, một quán cà phê cộng đồng, nơi mọi người tụ tập, nơi chúng ta phục vụ loại cà phê ngon nhất, pha chế bằng những chuyên gia pha chế hàng đầu. Động thái đầu tiên của Niccol là cắt giảm các chương trình giảm giá và khuyến mãi.
Với Lukin, lúc này họ đang tìm cách tái IPO sau bê bối kế toán, và mang đến Mỹ các loại đồ uống chỉ từ 2-3 USD, hướng đến các thành phố đông dân, nhiều lao động, nơi có mạng lưới người cùng quốc tịch.