“Rộng đường” cho trái phiếu doanh nghiệp
Chính phủ bỏ đề xuất nhà đầu tư (NĐT) cá nhân không được mua trái phiếu riêng lẻ, bổ sung điều kiện với doanh nghiệp phát hành...
Các nội dung trong tờ trình Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ mở rộng đường cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong dài hạn.
DĐDN có cuộc trao đổi với ông Phùng Xuân Minh - Chủ tịch Saigon Ratings xung quanh vấn đề này.
- Bỏ đề xuất NĐT cá nhân không được mua trái phiếu riêng lẻ là một trong những nội dung trong tờ trình Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi. Ở góc nhìn của đơn vị xếp hạng tín nhiệm, ông có quan điểm nào về nội dung này?
Trước đây, bản dự thảo sửa một số điều Luật Chứng khoán được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến, có nội dung đề xuất NĐT cá nhân không được mua trái phiếu riêng lẻ mà phải mua qua các quỹ. Còn với nội dung theo tờ trình mới như Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc báo cáo tại Quốc hội ngày 29/10 vừa qua, thì Chính phủ bỏ đề xuất NĐT cá nhân không được mua trái phiếu riêng lẻ, thay vào đó, bổ sung điều kiện với doanh nghiệp phát hành.
Theo đó, NĐT cá nhân được mua bán, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu riêng lẻ khi doanh nghiệp phát hành có xếp hạng tín nhiệm, tài sản đảm bảo và bảo lãnh của ngân hàng. Chính phủ cũng bổ sung hành vi cấm trong giao dịch chứng khoán, bao gồm thao túng thị trường chứng khoán, không công bố thông tin về dự kiến giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đại chúng trước khi giao dịch của người nội bộ và liên quan.
Tôi cho rằng đề xuất với nội dung thay mới phù hợp hơn so với đề xuất bỏ quyền đầu tư của NĐT cá nhân. Nội dung này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế và mở đường rộng hơn cho thị trường TPDN trong dài hạn, không khiến NĐT trên thị trường lo lắng về mức độ siết chặt theo hướng “quản” và “cấm”.
- Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn các nguyên do cho thấy nội dung mới là phù hợp?
Thứ nhất, đầu tư vào tài sản hàng hóa, giấy tờ có giá - các loại tài sản được công nhận trên thị trường là quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân (trừ một số tài sản vừa là hàng hóa vừa là tiền tệ mà Nhà nước đã có quy định riêng, như ngoại tệ, vàng…; hay các loại tài sản không được pháp luật công nhận và cho phép đầu tư như tiền ảo, bitcoin…).
Thứ hai, quy định này sẽ giúp khơi thông dòng vốn từ NĐT cá nhân, nhóm đang chiếm khoảng 20% thị trường đầu tư trái phiếu.
Thứ ba, theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, Chính phủ đặt ra mục tiêu đạt dư nợ TPDN năm 2030 đạt tối thiểu 25% GDP. Đây là mục tiêu vô cùng thách thức, bởi dư nợ TPDN hiện nay mới đạt khoảng 13% GDP. Nếu không có cơ sở pháp lý để thúc đẩy nguồn lực vốn vào thị trường thì thách thức này sẽ còn lớn hơn nữa.
Thứ tư, sự hiện diện của NĐT cá nhân/ chuyên nghiệp với thị trường TPDN riêng lẻ là cần thiết và càng phù hợp trong bối cảnh nếu đầu tư qua quỹ, thì trong ngắn và trung hạn năng lực và khả năng các quỹ hiện có còn rất hạn chế về số lượng, loại hình và khả năng nguồn lực so với các thị trường tài chính các nước phát triển.
Tất nhiên, theo dự thảo mới, cá nhân đầu tư chuyên nghiệp cần đảm bảo điều kiện về thời gian tham gia đầu tư, tần suất giao dịch. Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân nước ngoài cũng được coi là NĐT chứng khoán chuyên nghiệp. Các quy định này đảm bảo để NĐT đủ năng lực chịu trách nhiệm hành vi đầu tư của mình; cũng như đảm bảo cho sự ổn định, phát triển của thị trường.
- Vậy theo ông, từ phía đơn vị phát hành, cần có quy định nào đáp ứng tầm nhìn của thị trường TPDN hướng đến đạt 25% GDP?
Chúng ta hình dung đơn giản thị trường TPDN là 1 “cái chợ”. Không nên cấm người mua vào “chợ” mà chỉ quy định để đảm bảo họ đủ năng lực giao dịch trong “chợ” đó. Phía người bán, dĩ nhiên hàng hóa nào phải có tiêu chuẩn đó, nếu không thì không kiểm soát được chất lượng hàng hóa.
Theo như thẩm tra nội dung tờ trình mới của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đã cho biết cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ rà soát điều kiện với doanh nghiệp phát hành, phù hợp với tình hình thị trường và bảo vệ NĐT cá nhân. Một trong các điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng là doanh nghiệp phải đáp ứng quy định về đại diện người sở hữu trái phiếu, hệ số nợ, giá trị phát hành trên vốn chủ sở hữu và có xếp hạng tín nhiệm. Cùng với đó, nhất trí việc bổ sung NĐT chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức, cá nhân nước ngoài. Việc này nhằm tăng thu hút NĐT nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán và thúc đẩy thị trường này thành kênh dẫn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Nhìn chung, để một thị trường TPDN thực sự phát triển, chúng ta phải vừa khuyến khích NĐT cá nhân, vừa có cơ chế tăng thu hút với NĐT tổ chức. Đồng thời, phải tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, có uy tín tiếp cận vốn thuận lợi để phát triển và NĐT nước ngoài có sự lựa chọn danh mục đầu tư trái phiếu đa dạng tuỳ theo khẩu vị đầu tư. Tôi hoàn toàn thống nhất với nội dung Dự thảo và kỳ vọng Luật sẽ được sửa đổi, ban hành để bảo đảm tính công khai, minh bạch và nâng cao chất lượng TPDN phát hành, là khung pháp lý quan trọng giúp thị trường phát triển.
- Trân trọng cảm ơn ông!